HỘI ĐỒNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN II NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ CỦA KHOA CẢNH SÁT KINH TẾ
Thực hiện Quyết định số 3444/QĐ-T39-QLNCKH ngày 18/9/2017 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II, sáng ngày 26/9/2017, Hội đồng Nhà trường đã tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai”, mã số SC.2015.T39.38, chủ nhiệm đề tài: Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Văn Duy Truyền - Giảng viên Khoa Cảnh sát kinh tế tại Phòng họp Ban Giám hiệu, cơ sở 1 Trường Cao đẳng CSND II.
Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học trên gồm các đồng chí:
- NGND, Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Đức Khiển - Hiệu trưởng - Chủ tịch.
- Đại tá, TS. Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng - Phó Chủ tịch.
- Đại tá, ThS. Lê Tỵ - Phó Hiệu trưởng - Ủy viên phản biện 1.
- Trung tá, ThS. Phạm Ngọc Dũng - Đội trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai - Ủy viên phản biện 2.
- Đại tá, ThS. Nguyễn Văn Hạnh - Phó Hiệu trưởng - Ủy viên
- Thượng tá, TS. Đỗ Văn Hiền - Trưởng Khoa Cảnh sát kinh tế - Ủy viên.
- Thượng tá, TS. Lê Thanh Hóa - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Ủy viên.
- Trung tá, TS. Vũ Duy Công - Trưởng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - Ủy viên.
- Thiếu tá, ThS. Trần Ngọc Hưng - Cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu kho học - Ủy viên Thư ký.
Tên nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại buổi nghiệm thu
(Ảnh: Ngọc Hưng – Phòng Quản lý NCKH)
Sau khi Thư ký thông qua Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng đã yêu cầu Ban Chủ nhiệm báo cáo quá trình thực hiện đề tài. Đồng chí Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Văn Duy Truyền - Chủ nhiệm đề tài đã thuyết minh ngắn gọn toàn bộ tiến trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn đối tượng nghiên cứu, thu thập số liệu, tiếp xúc, trao đổi với cán bộ làm công tác thực tiễn của lực lượng Cảnh sát kinh tế để thực hiện đề tài “Nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai”.
Tiếp theo đó, lần lượt các ủy viên phản biện và ủy viên Hội đồng đã đóng góp, nhận xét về nội dung đề tài đã thực hiện. Về ưu điểm, đề tài đã đáp ứng được tính cấp thiết cần nghiên cứu, đã khái quát được lý luận về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra hình sự. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc khảo sát thực trạng để rút ra những tồn tại, hạn chế của công tác thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp khắc phục trong thời gian đến. Tuy nhiên, đề tài cũng mắc phải một số hạn chế nhất định: Một số nội dung đề cập về lý luận chưa chính xác, bảng biểu số liệu thu thập chưa hợp lý với nội dung nghiên cứu, một số giải pháp còn mang tính lý luận, chủ quan chưa sát hợp với thực trạng khảo sát… Kết quả bỏ phiếu đánh giá chất lượng đề tài, có 02 phiếu đồng ý xếp loại Xuất sắc, 07 phiếu đồng ý xếp loại Đạt.
Ban Chủ nhiệm đề tài ghi chép các ý kiến đóng góp, nhận xét của Hội đồng (Ảnh: Ngọc Hưng – Phòng Quản lý NCKH)
Kết luận tại buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng đã biểu dương tinh thần nỗ lực đầu tư nghiên cứu của tập thể Ban Chủ nhiệm và của riêng đồng chí Truyền vì đây là đề tài được thực hiện theo kinh phí tự túc. Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm tích cực tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhận xét của các nhà khoa học về những hạn chế và nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn tất các thủ tục để đưa đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn.
NGND, PGS, TS. Vũ Đức Khiển - Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận tại buổi nghiệm thu .(Ảnh: Ngọc Hưng – Phòng Quản lý NCKH)
Trần Ngọc Hưng - Phòng Quản lý NCKH, T39