TRƯỜNG CAO ĐẲNG CSND II THAM DỰ HỘI THẢO QUỐC TẾ “NGHIÊN CỨU SO SÁNH VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH: LUẬT CỦA CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG”
Trong khu vực Asean hiện nay, phần lớn các quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình trong luật hình sự. Việc nghiên cứu, so sánh quy định hình phạt tử hình trong luật hình sự của các nước trong khu vực để tham khảo, học hỏi lẫn nhau nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, ngày 03/3/2017 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Luật Châu Á thuộc Đại học Melbourne – Australia tổ chức hội thảo quốc tế “Nghiên cứu so sánh về hình phạt tử hình: Luật của các nước trong khu vực và thực tiễn áp dụng”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Trọng Toàn – Phòng QLNCKH T39
Hội thảo có sự hiện diện của chuyên gia luật, học giả, nhà khoa học đến từ các nước Australia, Ấn Độ, Indonexia, Singapore, Philipine…; đại diện của Tổng lãnh sự quán Australia và Đan Mạch tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan ban ngành tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát; đại biểu Quốc hội, đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư của một số tỉnh, thành trong nước; các trường đại học, công ty và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước. Về phía Trường Cao đẳng CSND II được mời tham dự hội thảo có đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Đức Khiển – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường và đồng chí Đại tá, TS Nguyễn Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Ảnh: Toàn cảnh hội thảo - Ảnh Trọng Toàn – Phòng QLNCKH T39
Phát biểu đề dẫn GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật đã nêu bật tính cấp thiết và ý nghĩa của việc tổ chức hội thảo vì hình phạt tử hình là một hình phạt có tính nghiêm khắc cao nhất của luật hình sự. Nó tước đi quyền thiêng liêng và quan trọng nhất của con người là quyền được sống. Vì vậy, việc nghiên cứu so sánh hình phạt tử hình trong luật hình sự một số nước Châu Á có nghĩa quan trọng đối với tiến trình hoàn thiện pháp luật ở nước ta nhất là trong bối cảnh quan điểm của Đảng và Nhà nước ta thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị: “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Phát biểu khai mạc và tham luận của đồng chủ trì hội thảo GS Pip Nicholson – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật Châu Á – Trường Đại học Melbourne cũng đã nêu bật tổng quan về hình phạt tử hình ở Châu Á. Qua đó, Giáo sư nhấn mạnh Châu Á là nơi chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp bị thi hành án tử hình trên toàn thế giới do đó cần thiết tập trung vào những kinh nghiệm khu vực và bình luận bên ngoài để tóm tắt những giải pháp đang và được đề xuất áp dụng nhằm giảm hình phạt tử hình ở Châu Á theo đúng xu hướng phát triển của thế giới.
Giáo sư Todung Mulya Lubis đến từ Đại học Malaysia trình bày bài tham luận với chủ đề “Hình phạt tử hình: Tranh luận bị dừng tại Indonesia và triển vọng cải cách” cho rằng hình phạt tử hình là không khả thi vì phải thừa nhận rằng hình phạt tử hình là nghiêm khắc nhưng không nên áp dụng vì nếu tù chung thân không giảm án kèm theo tịch thu tài sản tham nhũng là đã đủ nghiêm khắc cho người tham nhũng phải hoàn trả hồ sơ với sự giàu sang bất hợp pháp của họ.
Các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: Trọng Toàn – Phòng QLNCKH T39
Không khí buổi hội thảo được đẩy lên cao trào khi TS Vũ Thị Thúy trình bày lịch sử án tử hình của Việt Nam được mở rộng qua các thời kỳ lịch sử của Bộ luật hình sự và với quan điểm của tác giả đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm do người thiểu năng trí tuệ hoặc hạn chế về thể chất, một số tội phạm về ma túy hoặc tham nhũng. Rất nhiều ý kiến được đưa ra tranh luận về tính cần thiết cũng như điều kiện áp dụng để hình phạt tử hình phát huy tính phòng ngừa trong thực tiễn nhưng vẫn giữ được tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chiều ngày 03/3/2017, hội thảo được tiếp tục phiên buổi chiều với các tham luận của các học giả Việt Nam và quốc tế như trình bày của PGS, TS Vũ Công Giao – Đại học Luật Hà Nội về “Những thuận lợi và khó khăn với việc xóa bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam” hoặc bài tham luận của GS Susan Trevaskes về: “Sự thận trọng tư pháp và cải cách hình phạt tử hình ở Trung Quốc…” hoặc “ Chức năng của các biện pháp giảm hình phạt tử hình ở Đông Nam Á: Kinh nghiệm so sánh cho Việt Nam” của TS Daniel Pascoe – Trường Đại học Hồng Kông đều đưa ra một sự so sánh thú vị trong việc áp dụng hình phạt tử hình ở các nước khác nhau ngay trong hệ thống các nước Asean.
Đồng chí Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và nguyên Lãnh đạo TAND TP. Hồ Chí Minh
Ảnh: Trọng Toàn – Phòng QLNCKH T39.
Tuy nhiên việc so sánh quy định về hình phạt tử hình ở các nước trong khu vực Asean có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu và ứng dụng vào công tác lập pháp của nước ta vì việc đánh giá nên hạn chế hoặc mở rộng hình phạt tử hình ở nước ta như ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng, ban ngành tại hội thảo hết sức đa dạng và phong phú. Có quan điểm cho rằng hình phạt tử hình mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp hiện nay nhưng cũng có ý kiến cho rằng tuy hình phạt nghiêm khắc nhưng diễn biến tội phạm không hề suy giảm trong thời gian qua nhất là đối với tội phạm về ma túy.
Kết luận hội thảo, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và đa số đại biểu nhất trí nhấn mạnh tính cần thiết phải nghiên cứu, so sánh để xem xét việc giảm quy định và áp dụng hình phạt tử hình trong luật hình sự của mỗi nước theo xu hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức cần nghiên cứu cụ thể và vận dụng sáng tạo vào mỗi nước tùy thuộc điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của mỗi nước để đảm bảo phát huy tính trừng trị, răn đe, giáo dục người phạm tội có hướng phấn đấu trở thành công dân tốt cho xã hội chứ không chỉ cho người phạm tội thấy tính nghiêm khắc của hình phạt tử hình.
Kết quả của hội thảo sẽ được gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan như các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có pháp luật hình sự của nước ta trong thời gian tới đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nguyễn Trọng Toàn - Phòng Quản lý NCKH, T39