TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – BẢN ANH HÙNG CA TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
Chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2016) và Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016).
Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh (14/8/1945), nhận thấy thời cơ cách mạng đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội; ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Và đến ngày 28-8, hai tỉnh cuối cùng giành được chính quyền là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.
(Ảnh sưu tầm wikipedia)
Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Tân Trào trở về ngoại thành Hà Nội. Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, chiều ngày 26-8, Người đã triệu tập và chủ trì phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng, bàn những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng tại số nhà 48 Hàng Ngang. Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định cần phải nhanh chóng thiết lập chính quyền nhân dân trong cả nước, khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. Ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập Chính phủ Dân chủ Cộng hòa. Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Từ ngày 28-8-1945, tại chiếc bàn ăn trên gác hai số nhà 48, phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung tinh thần, trí tuệ và tình cảm để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập; đến ngày 31-8-1945, bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới vào ngày 2-9-1945. Sau này, khi nhớ lại về những ngày soạn thảo bản Tuyên ngôn, Bác nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”.
(Ảnh sưu tầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Sáng ngày 2-9-1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ, đổ dồn về phía Ba Đình và tràn ngập các phố xung quanh để chào đón Chính phủ lâm thời và lắng nghe Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tiến ra lễ đài. Thay mặt cho Chính phủ, Hồ Chí Minh – Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới nước Việt Nam đã giành được độc lập.
(Ảnh sưu tầm TTXVN)
Mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử đó là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1791): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, một bản anh hùng ca có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, trong Đường cách mệnh,Cương lĩnh chính trị và nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng và Việt Minh. Đồng thời, bản Tuyên ngôn Độc lập là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông ta, kế thừa và phát triển những bản tuyên ngôn trước đây của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống các nước thuộc địa, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam[1] Độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân là những giá trị bất diệt mà Đảng và nhân dân ta theo đuổi, kiên cường, quyết liệt đấu tranh để giữ vững. Với ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại như vậy, ngày 2-9-1945 đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, trở thành ngày hội của dân tộc, ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
71 năm qua, Đảng và nhân dân ta đã không tiếc thân mình, bảo vệ những thành quả của cách mạng, tiến hành kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi, giữ vững độc lập dân tộc. Và bước vào thời kỳ đổi mới, với sự tự hào và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh./.
Tăng Tài Đức - Bộ môn LLCT &KHXHNV, T39
Lê Quan Huy - Phòng CTĐ,CTCT&CTQC, T39
[1]. Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 240