HOẠT ĐỘNG THỰC TẾ CỦA HỌC VIÊN CAO ĐẲNG KHÓA H02S TẠI HUYỆN DẦU TIẾNG – BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Kế hoạch số 194/KH-T39 ngày 11/03/2016 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II về việc tổ chức hoạt động thực tế, ngày 14/03/2016 Trường Cao đẳng CSND II đã tổ chức cho học viên Cao đẳng khóa H02S đi thực tế tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Hoạt động thực tế là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình đào tạo của các trường CAND nói chung, Trường Cao đẳng CSND II nói riêng. Thông qua hoạt động thực tế nhằm nâng cao nhận thức của học viên, giúp học viên có kỹ năng trong công tác thực tế, tạo điều kiện cho học viên gắn bó với nhân dân và làm quen với công tác dân vận.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu mà hoạt động thực tế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hình ảnh những học viên Cảnh sát sau mỗi chuyến thực tế đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp “Đi dân nhớ, ở dân thương” trong lòng người dân địa phương. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm học 2015 – 2016, Nhà trường tiếp tục tổ chức cho 509 học viên hệ Cao đẳng Khóa H02S tham gia hoạt động thực tế tại địa bàn 05 xã: Minh Hòa, Minh Thạnh, Long Hòa, An Lập, Thanh An thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Đây là những xã thuộc diện khó khăn của huyện Dầu Tiếng với nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cao su, điều, củ mì… Thời gian qua, song song với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, huyện đã chú trọng đầu tư phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho bà con nơi đây. Chuyến thực tế lần này sẽ là một trải nghiệm mới mẻ đối với mỗi học viên.
Đ/c Đại tá Nguyễn Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi
lễ tiếp nhận sinh viên thực tế
Thực hiện theo những nội dung kế hoạch đề ra, học viên tham gia nhiệt tình các hoạt động lao động sản xuất cùng với nhân dân địa phương như: Giúp đỡ bà con trồng và thu hoạch củ mì, hoa màu…Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường: Làm vệ sinh các tuyến đường, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, phụ giúp xây dựng nhà tình thương … Có những công việc còn khá xa lạ với đa số học viên nhưng với sự cố gắng và tinh thần học hỏi đã được người dân khen ngợi. Bên cạnh đó, học viên còn tham gia các hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, phòng ngừa các dịch bệnh…Phối hợp với Trung tâm văn hóa và Đoàn thanh niên các xã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi: Tham gia cuộc thi “Tiếng hát thanh niên Công an và nhân dân” , giao lưu bóng đá, bóng chuyền với thanh niên các xã. Những hoạt động này cũng là cầu nối tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa học viên nhà trường và nhân dân địa phương.
Thu gom rác trên các tuyến đường
Phát quang, cắt dọn cỏ vườn cây cho nhân dân
Tham gia phụ giúp xây nhà tình thương tại xã Minh Hòa
Học viên tham gia “Hội thi tiếng hát Thanh niên Công an và nhân dân”
Giao lưu bóng chuyền với thanh niên xã Minh Hòa
Nói về cảm nghĩ của bản thân trong chuyến thực tế này, bạn Đoàn Hải An học viên lớp B1-H02S chia sẻ: “ Có lẽ một trong những khoảng thời gian đẹp nhất của đời sinh viên là những chuyến đi thực tế. Tôi và các bạn sinh viên Khóa H02S ai ai cũng háo hức chờ đợi chuyến đi này. Chuyến thực tế này đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Xuống địa bàn thực tế, chúng tôi được hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân địa phương, được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân để thấu hiểu hơn phần nào những khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như những tâm tư, tình cảm của họ. Qua đó, giúp chúng tôi có được những kỹ năng cần thiết trong công tác thực tế, công tác vận động quần chúng, trang bị những kiến thức thực tiễn góp phần trau dồi, hoàn thiện những kiến thức lý luận đã được học ở trường.”
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các địa bàn thực tế và sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhân dân địa phương đã bố trí nơi ăn, ở cùng những điều kiện cần thiết khác nên cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường hoàn thành tốt các nội dung của kế hoạch đề ra, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cũng trong đợt thực tế này, đại diện lãnh đạo nhà trường, Phòng QLHV, Bộ môn Lý luận Chính trị KHXH&NV và học viên đã tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng của 05 xã; Xây tặng một nhà tình thương và tặng quà cho gia đình ông So Ky Gia – là hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở xã Minh Hòa trị giá 56 triệu đồng; tặng quà lưu niệm cho chính quyền và nhân dân các địa bàn thực tế trị giá hơn 70 triệu đồng.
Thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng tại xã An Lập
Đ/c Đại tá Nguyễn Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao quà tặng cho
UBND huyện Dầu Tiếng
Để ghi nhận những cố gắng, nổ lực, đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên và học viên trường Cao đẳng CSND II trong thời gian thực tế, Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tặng 58 giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong đợt thực tế. Trong đó: UBND huyện Dầu Tiếng tặng 19 giấy khen, UBND xã Minh Hòa tặng 20 giấy khen, UBND xã An Lập tặng 8 giấy khen, UBND xã Thanh An tặng 11 giấy khen. Nhà trường cũng đã tặng 10 giấy khen cho các đồng chí trong ban chỉ đạo thực tế của huyện Dầu Tiếng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để học viên Nhà trường hoàn thành tốt các nội dung trong kế hoạch đề ra.
Đ/c Đại tá Nguyễn Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng giấy khen cho các đồng chí trong Ban chỉ đạo thực tế của huyện Dầu Tiếng
Đ/c Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Dầu Tiếng tặng Giấy khen cho các đồng chí trong Ban chỉ đạo hoạt động thực tế của Nhà trường
Đ/c chủ tịch UBND xã Minh Hòa tặng giấy khen cho những học viên có
thành tích xuất sắc trong đợt thực tế
Những kết quả trên cho thấy hoạt động thực tế đang ngày càng trở thành một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng CSND II, không những tạo điều kiện cho học viên gắn bó với nhân dân và làm quen với công tác dân vận mà còn nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp cho học viên, góp phần nâng cao bản lĩnh người Công an cách mạng “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì”, đồng thời thắt chặt hơn tình đoàn kết quân, dân.
Trần Thị Ngọc Thúy - Phòng QLHV, T39