NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ DO ĐỒNG CHÍ TRƯƠNG TUẤN DŨNG LÀM CHỦ NHIỆM, NĂM 2016
Thực hiện Quyết định số: 327/QĐ-T39-QLNCKH ngày 10/3/2016 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II về việc Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở; sáng ngày 16/3/2016, tại Hội trường Cơ quan (Cơ sở 1), Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp cơ sở Trường Cao đẳng CSND II đã tiến hành họp để đánh giá, nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học: “Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Thành phố Hồ Chí Minh”, mã số: SC.2014.T39.081 do đ/c Thượng úy, ThS. Trương Tuấn Dũng làm chủ nhiệm.
Đ/c Thượng úy, CN. Trần Hoàn Nam - Cán bộ Phòng Quản lý NCKH, T39 tuyên bố lý do trước Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39.
Tham gia Hội đồng nghiệm thu có đ/c Thiếu tướng, NGND, PGS. TS. Vũ Đức Khiển – Hiệu trưởng T39, giữ cương vị Chủ tịch hội đồng; đ/c Đại tá, ThS. Lê Tỵ – P. Hiệu trưởng T39, P. Chủ tịch hội đồng; đ/c Đại tá, ThS. Trần Duy Được - Ủy viên phản biện 1; đ/c Đại úy, CN. Huỳnh Lê Hoàng Vũ – Phó Đội trưởng, Phòng PC45, Công an Tp. Hồ Chí Minh, Ủy viên phản biện 2 cùng với một số nhà khoa học trực thuộc Hội đồng Khoa học - Đào tạo của Trường. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học và các cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học – T39.
Đ/c Thiếu tướng, NGND, PGS. TS. Vũ Đức Khiển – Hiệu trưởng T39 - Chủ tịch hội đồng. Ảnh: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39
Tại buổi nghiệm thu, đ/c Trương Tuấn Dũng – chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học – đã thay mặt Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt lý do lựa chọn nhiệm vụ, quá trình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học.
Đ/c Thượng úy, ThS. Trương Tuấn Dũng - Chủ nhiệm đề tài.
Ảnh: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam, đồng thời là trung tâm của khu kinh tế Đông Nam bộ, là một cửa ngõ quốc tế quan trọng về xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển du lịch, dịch vụ. Đây cũng là nơi thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Chính vì vậy Thành phố Hồ Chí Minh có lượng lớn người nước ngoài đến du lịch, học tập và làm việc. Tuy nhiên khi người nước ngoài đến nước ta càng nhiều thì tình trạng tội phạm là người nước ngoài cũng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp cả về số vụ và tính chất phạm tội. Xét về cơ cấu của tội phạm do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thời gian qua cho thấy tội phạm xâm phạm sở hữu chiếm tỷ lệ cao nhất. Loại tội phạm này không chỉ gây thiệt hại đáng kể về tài sản và vật chất khác cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh mà còn gây ra tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây ra khoảng cách giữa người dân và người nước ngoài do tâm lý “sợ bị lừa”. Ngoài ra, việc xử lý các đối tượng này cũng tốn nhiều thời gian và kinh phí do trải qua nhiều thủ tục để trục xuất đối tượng về nước.
Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống người nước ngoài phạm tội xâm phạm sở hữu đã được lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ quyết liệt và đạt được nhữntg kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Xuất phát từ thực trạng đó, Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học đã lựa chọn và tiến hành nghiên cứu nhiệm vụ khoa học: “Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Thành phố Hồ Chí Minh”
Chủ nhiệm nhiệm vụ cũng trình bày mục tiêu nghiên cứu của nhiệm vụ là trên cơ sở làm rõ nhận thức chung, cơ sở pháp lý và thực trạng công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người mang quốc tịch nước ngoài thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến 2015 để đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện trên địa bàn.
Với kết cấu chính gồm 02 chương, 06 tiết, nhiệm vụ khoa học đã giải quyết được các nhiệm vụ khoa học như: làm rõ nhận thức chung và cơ sở pháp lý của công tác phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện theo chức năng của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh; làm rõ tình hình và đặc điểm hình sự của tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện và những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh loại tội phạm này ở Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu làm rõ thực tiễn hoạt động phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện bằng việc đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập và nguyên nhân trong công tác phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài tiến hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; dự báo về diễn biến tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện trên địa bàn trong thời gian tới; xây dựng hệ thống những giải pháp và kiến nghị để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Các ủy viên phản biện và ủy viên hội đồng đã tích cực nhận xét các ưu, khuyết điểm của nhiệm vụ khoa học, làm rõ những thành quả đã đạt được và một số thiếu sót cần chỉnh sửa, bổ sung; đồng thời đều nhận định mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài đặt ra đã được Ban chủ nhiệm cơ bản giải quyết và làm sáng tỏ một cách logic, khoa học và chặt chẽ.
Đ/c Đại tá, ThS. Trần Duy Được - Uỷ viên phản biện 1. Ảnh: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39
Sau khi tổng hợp các ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên trong Hội đồng, đồng chí Thiếu tướng, NGND, PGS. TS. Vũ Đức Khiển, Chủ tịch Hội đồng đã thay mặt Hội đồng nghiệm thu kết luận: Nhiệm vụ khoa học đã góp phần làm sáng tỏ được lý luận và thực trạng công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người mang quốc tịch nước ngoài thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến 2015 và đề xuất các giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện trên địa bàn. Nhiệm vụ có thể được sử dụng để làm nguồn tài liệu thiết thực cho việc vận dụng vào công tác thực tế ở các địa phương và giúp ích cho việc học tập, giảng dạy tại các trường Cảnh sát nhân dân.
Các thành viên Hội đồng cho ý kiến nhận xét. Ảnh: Tiến Dũng - Phòng Quản lý NCKH, T39
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở này cũng có thể được xem là một trong những nguồn tài liệu hữu ích giúp cho lãnh đạo và cán bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nói riêng tham thảo nghiên cứu, bổ sung những chủ trương của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện trên địa bàn.
Như vậy, từ những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn của nhiệm vụ khoa học, Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm nhiệm vụ. Sau quá trình bỏ phiếu xét chọn, “Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu do người nước ngoài thực hiện của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Thành phố Hồ Chí Minh”, mã số: SC.2014.T39.081 do đ/c Thượng úy, ThS. Trương Tuấn Dũng làm chủ nhiệm đã được các thành viên Hội đồng đồng ý nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39