TRIỂN LÃM VỀ HOÀNG SA TẠI LỄ HỘI CẦU NGƯ
Khách đến dự triển lãm được hướng dẫn viên Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh về những tấm bản đồ, tài liệu khẳng định quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 23/2, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với UBND quận Thanh Khê trưng bày hàng chục bản đồ, tư liệu, hình ảnh liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư được tổ chức ở đường ven biển Nguyễn Tất Thành.
Hàng trăm người dân tham dự lễ hội, trong đó có nhiều học sinh, đã nán lại gian trưng bày để nghe anh Trần Văn Chuẩn (phòng trưng bày - đối ngoại Bảo tàng Đà Nẵng) thuyết minh về những tấm bản đồ quý. "Đây là tài liệu đã được chọn lọc để tuyên truyền cho người dân một cách ngắn gọn, súc tích", anh Chuẩn nói.
Trong đó, bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập thiên nam tứ chi lộ đồ thư, do cụ Đỗ Bá (tự là Công Đạo) vẽ vào thời triều Lê cuối thế kỷ 17, cho thấy ngày xưa Hoàng Sa đã được đặt là Bãi cát vàng. Toàn văn bản đồ được viết bằng chữ Hán, riêng ba chữ Bãi cát vàng được viết bằng chữ Nôm.
Học sinh Đà Nẵng tham quan, tìm hiểu về chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đại nam nhất thống toàn đồ là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn, được vẽ dưới thời vua Minh Mạng, ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nằm sát với lãnh thổ Việt Nam. Hay bản Quốc địa đồ nằm trong sách Khải đồng thuyết ước thời vua Tự Đức (1853) dành để dạy cho học sinh cũng ghi rõ địa danh Hoàng Sa.
Nhiều tài liệu thời Pháp thuộc ghi nhận nước này đưa người Pháp tới quản lý những toán lính người Việt Nam ra cắm cột mốc chủ quyền ở Hoàng Sa vào năm 1938. Sau Hiệp định Genève năm 1954, chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý quần đảo Hoàng Sa, đưa quân đội, nhân viên khí tượng ra quần đảo này làm việc.
Căn cứ vào tờ giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy, con của ông Mai Xuân Tập - nhân viên khí tượng, anh Chuẩn cho biết thời Việt Nam Cộng hòa, những người ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ còn đưa gia đình ra sinh sống. Giấy khai sinh này được lập ngay trên quần đảo Hoàng Sa.
Trong số tài liệu được trưng bày, tấm bản đồ thế giới do Pieter (người Hà Lan) vẽ vào năm 1594, chú thích quần đảo Hoàng Sa với tên gọi Pracel, nằm trong lãnh thổ của Việt Nam. Bản đồ Fuels and Power (các nguồn năng lượng và nhiên liệu), ấn bản đặc biệt của Cục Mỏ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xuất bản năm 1975, không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa, mà chỉ rõ lãnh thổ của nước này dừng lại ở đảo Hải Nam.
Nguồn: Nguyễn Đông - Tin nhanh Việt Nam (http://vnexpress.net)
Sưu tầm: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39