Thứ 6, 21/6/2024 20:12 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, TIN XẤU ĐỘC, TIN GIẢ TRÊN NỀN TẢNG MẠNG XÃ HỘI TIKTOK NHẰM CHỐNG PHÁ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG

     Mạng xã hội và truyền thông xã hội đã trở thành một môi trường giao tiếp không bị giới hạn về số lượng thành viên, không gian địa lý, hay thành phần xã hội, tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẽ thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu đa dạng của người dân như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp… Tham gia mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều người, bao gồm cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội và truyền thông xã hội cũng có những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội; đối tượng phản động sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong đó có TikTok đưa ra những luận điệu xuyên tạc, tin xấu, tin giả nhằm chống phá đường lối của Đảng, Nhà nước.
     Luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc và tin giả đều là các loại tin tức giả mạo, bị bóp méo, thông tin sai lệch, thiếu chính xác hoặc có yếu tố gây hiểu nhầm với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Có thể hiểu luận điệu xuyên tạc là những ý kiến, lý lẽ mà các thế lực thù địch, đối lập, cơ hội chính trị đưa ra một cách sai sự thật với dụng ý xuyên tạc, kích động, lôi kéo nhằm chống phá đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội; tin xấu độc là những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực...
     1. Nhận diện tin giả, tin xuyên tạc, tin xấu độc trên mạng xã hội TikTok
    Ngày nay, với những tiến bộ ngoạn mục của khoa học và công nghệ, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân Việt Nam. Do đó, người dân Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để nhận diện tin giả, tin xuyên tạc hoặc tin xấu độc trên mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội TikTok, cụ thể như sau:
    Về tiêu đề, khi bắt gặp những thông tin trên TikTok, nếu thấy tiêu đề giật gân, thu hút; sử dụng các cụm từ cực đoan như "kinh hoàng", "tàn bạo", "bí ẩn", "đáng sợ"; thông tin mới lạ, thường đề cập đến một số vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm rất có thể chúng ta đang bắt gặp các tin giả, tin xuyên tạc và tin xấu độc.
    Về hình thức, các tin giả, tin xuyên tạc và tin xấu độc thường có tông màu tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, sợ hãi cho người đọc hoặc người xem. Bên cạnh đó việc sử dụng hình ảnh, video làm kênh truyền tải nội dung thường có thêm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khiến nó trở nên hấp dẫn và thu hút được sự chú ý của đối tượng nhắm đến.
     Về nội dung, các tin giả, tin xuyên tạc và tin xấu độc thường thiếu căn cứ, không rõ ràng, gây nhầm lẫn; thông tin không đầy đủ, thiếu chi tiết về nhân vật hoặc sự kiện dẫn đến việc chúng ta không thể kiểm tra hay sử dụng các tài nguyên để xác minh thông tin. Các từ ngữ được sử dụng là những ngôn từ tiêu cực để kích thích cảm xúc của người đọc hoặc người xem, gây ra sự hoang mang, sợ hãi và lo ngại.
     Một số thông tin thường có nội dung nhằm chống phá đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cụ thể như sau:
     Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp, truyền tải, sử dụng, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia.
Xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; hạ thấp, phủ nhận thành tựu, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong phát triển kinh tế, xã hội.
     Xuyên tạc các sự kiện chính trị, lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; cung cấp, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, không phù hợp với lợi ích của đất nước nhằm phá hoại truyền thống lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
     Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
     Kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
    Truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, khủng bố, bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội,…
    Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, cổ xuý các hủ tục, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương tây.
    Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus…
     Về nguồn dẫn, các tin giả, tin xuyên tạc và tin xấu độc thường không có nguồn dẫn đáng tin cậy hoặc nguồn dẫn không được xác định rõ ràng, các tài khoản chia sẻ thông tin không có uy tín hoặc bằng chứng về nguồn tin không thuyết phục. Một số thông tin giả, tin xuyên tạc và tin xấu độc có thể được thiết kế để phân chia dư luận, đánh giá các nhóm trên mạng xã hội Tiktok hoặc các cộng đồng trực tuyến khác nhau.
     2. Đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả trên nền tảng mạng xã hội TikTok nhằm chống phá đường lối của Đảng
     Quá trình sử dụng các mạng xã hội nói chung và sử dụng TikTok nói riêng, người dân Việt Nam cần lưu ý nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả trên nền tảng mạng xã hội Tiktok nhằm chống phá đường lối của Đảng.  cụ thể:
     Một là, xác minh nguồn thông tin.
     Người dân Việt Nam cần kiểm tra nguồn gốc của thông tin trên TikTok và không chia sẻ hoặc tin vào thông tin không rõ nguồn gốc. Nếu không chắc chắn về độ chính xác của thông tin, nên kiểm tra lại thông tin trên các nguồn thông tin đáng tin cậy và có uy tín như trang web tin tức, báo chí, tạp chí, các cổng/trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước… để đối chiếu và xác minh tính đúng đắn của thông tin trước khi chia sẻ. Nên kiểm tra ngày đăng tải của thông tin để xác định tính đúng đắn của thông tin đó, nếu thời gian đã lâu thì khả năng thông tin đó đã cũng đã cũ, không đúng như thông tin mới nhất. Quá trình sử dụng mạng xã hội TikTok nên tìm kiếm người đăng tải thông tin trên TikTok để xác định nguồn gốc thông tin. Nếu thông tin không được xác minh, có thể nó từ một nguồn không chính xác hoặc giả mạo, đồng thời nên xem bình luận và đánh giá của người dùng khác trên nội dung đó để có thêm thông tin xác minh, nếu nhiều người đang bình luận hoặc đánh giá khác nhau thì có thể cân nhắc kiểm tra ngay thông tin đó.
      Hai là, phản bác các luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả.
     Nếu gặp thông tin không đúng sự thật trên TikTok, người dân sử dụng TikTok dùng tài khoản cá nhân hoặc một fanpage để phản bác các tin sai lệch này và nhắc nhở người đăng ký video đó phải hiểu rõ hơn về thông tin mình đăng tải, đồng thời nhắc nhở những người sử dụng TikTok khác không tin vào đó, như: Viết bình luận phản bác ngay tại video đó để cảnh báo người dùng khác về thông tin không đúng sự thật hoặc được chia sẻ không rõ nguồn gốc. Nếu thông tin trên TikTok không đúng sự thật, có thể nhắn tin trực tiếp với người đăng tải để yêu cầu họ cập nhật thông tin chính xác hoặc xóa thông tin giả, tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc. Sử dụng tính năng "Duet" hoặc "Stitch" trên TikTok để phản bác thông tin giả mạo hay có thể tạo video của mình và so sánh với video gốc để nhắc nhủ người xem sự thật, hay có thể sử dụng thẻ "hashtag" để đánh dấu các bình luận, video, hình ảnh phản bác và đấu tranh với thông tin giả mạo, giúp lan tỏa thông điệp và thu hút sự chú ý của cộng đồng.
     Để phản bác các luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả mà các đối tượng sử dụng để chống phá đường lối chính sách của Đảng, mỗi bản thân người dân sử dụng nền tảng xã hội TikTok cần nêu cao tinh thần yêu nước, nắm chắc quan điểm chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước.
     Ba là, cung cấp, chia sẻ thông tin chính xác, đáng tin cậy và có giá trị cho cộng đồng.
     Chia sẻ thông tin chính xác, đáng tin cậy và có giá trị cho cộng đồng trên TikTok và tránh chia sẻ những tin tức sai, tin xấu độc và tin giả. Muốn vậy, phải tìm kiếm nguồn tin đáng tin cậy, chính xác, có uy tín trên các trang web tin tức, báo chí, tạp chí, các trang mạng hoặc kênh thông tin  chính thức của cơ quan nhà nước và cập nhật thông tin nhanh chóng lên TikTok để giúp người xem có những thông tin mới nhất và đáng tin cậy. Hay thể sử dụng tài khoản cá nhân hoặc tạo một fanpage để chia sẻ thông tin chính thống về chính sách, pháp luật, văn hóa hoặc khoa học,… giải đáp các thắc mắc hoặc câu hỏi của người xem trên TikTok điều này sẽ giúp lan tỏa thông điệp chính thống và đóng góp tích cực vào xã hội, giúp cộng đồng mạng hiểu rõ hơn về các vấn đề đang được bàn luận trên mạng xã hội.
     Bốn là, chủ động thông báo với TikTok hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.
    Khi phát hiện bất kỳ những luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội TikTok, người sử dụng TikTok chủ động thông báo cho TikTok hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý tình trạng đó, như: Sử dụng tính năng "Báo cáo" trên TikTok để thông báo cho TikTok về những nội dung không đúng sự thật, tin giả, tin xấu độc hoặc thông tin bị xuyên tạc. Liên hệ trực tiếp với đội ngũ hỗ trợ của TikTok qua các kênh hỗ trợ trực tuyến bằng cách truy cập trang web chính thức của TikTok, gửi email trực tiếp cho địa chỉ hỗ trợ của TikTok tại địa chỉ: feedback@tiktok.com hoặc lert@tiktok.com để báo cáo về các thông tin giả mạo, tin xấu độc hoặc lỗi phát sinh trên nền tảng mạng xã hội này.
     Nếu như thông tin trên TikTok đang gây hại đến cộng đồng, vi phạm pháp luật, có những luận điệu sai sự thật nhằm chống phá Đảng thì khẩn trương liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền như Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) qua Website: https://tingia.gov.vn; Email: online.abei@mic.gov.vn hoặc số điện thoại: 18008108; Sở TT&TT hoặc Văn phòng UBND các tỉnh, thành. Cung cấp các thông tin có liên quan tới Ban Chỉ đạo 35 quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở nơi người dân cư trú, qua đó làm cơ sở  trong việc rà soát, phát hiện, tổ chức đấu tranh phản bác, gỡ bỏ, triệt phá thông tin, tài khoản xấu độc, xử lý trách nhiệm các cá nhân phát tán thông tin xấu, độc của các cơ quan chức năng.
     Việc đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả trên nền tảng mạng xã hội TikTok cho người dân Việt Nam hiện nay là quan trọng và cần thiết. Mỗi người dân cần phải có tinh thần cảnh giác và kiểm soát thông tin đang được chia sẻ trên mạng xã hội và đối phó với những thông tin giả mạo, phi chính thống. Trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, cần phải kiên nhẫn và quyết tâm đấu tranh với những những luận điệu xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả và các hành vi sai phạm khác./.
Phùng Xuân Tân - K.CSHS

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 397
Tất cả 7,468,101