Thứ 6, 21/6/2024 19:59 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

LỢI DỤNG VẤN ĐỀ "XÃ HỘI DÂN SỰ" ĐỂ CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC - MỘT SỐ NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC

     Xã hội dân sự, hay còn được gọi là xã hội công dân, là cách gọi "civil society" theo tiếng Việt. Society, theo từ điển Oxford, có thể hiểu theo nghĩa là "xã hội" và cũng có thể hiểu là "hội, đoàn thể". Qua luận giải về xã hội công dân của Mác-Ăngghen, có thể thấy đặc điểm và vai trò của xã hội dân sự trong mối quan hệ với nhà nước như sau:
     Khi nói đến xã hội dân sự là không phải nói đến hoạt động của nhà nước. Vì vậy các yếu tố công quyền sẽ không có mặt tại đây. Vậy khi không hoạt động dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước, xã hội dân sự sẽ hoạt động dựa vào gì? Và câu trả lời là dựa vào sự tự nguyện, tự giác của người dân trong xã hội. Xã hội dân sự không phải là những hoạt động của con người trong gia đình, nên không đặt nặng yếu tố huyết thống và không có quyền lực gia trưởng; tương tự xã hội dân sự không hướng tới hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận và những quy luật của thị trường đều không hề có tác dụng ở đây.
     Xã hội dân sự tồn tại bên cạnh nhà nước chứ không nằm ngoài nhà nước, không phải là một hình thức "phi nhà nước". Xã hội dân sự luôn chịu sự quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật của mỗi nhà nước.
    Có thể thấy rằng xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi người dân trong xã hội hợp tác với nhau để làm việc vì lợi ích cộng đồng, để thúc đẩy quyền lợi chung. Ưu việt của xã hội dân sự trước hết là nó đáp ứng bất cứ nhu cầu lợi ích nào của công dân nảy sinh, mà nhà nước, thị trường, gia đình không thể thoả mãn. Để thực hiện những hoạt động cộng đồng này, có thể có những hội, đoàn được thành lập và hoạt động thường xuyên, cũng có những hội đoàn mang tính ngắn hạn, xong hoạt động có thể tự giải tán, mà ta có thể gọi là các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động nhằm giúp đỡ lẫn nhau giữa người và người trong xã hội, các tổ chức này còn hoạt động nhằm làm cho cộng đồng, xã hội được tốt hơn như cung cấp những dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà Nhà nước, do hoạt động quản lý kinh tế - xã hội quá rộng lớn, không thể quan tâm hết được. Ngày nay, các tổ chức xã hội dân sự còn là kênh nói lên tiếng nói đa dạng trong xã hội nhằm giúp cho quá trình xây dựng chính sách và pháp luật của nhà nước được hoàn thiện hơn, phù hợp với nhu cầu và thực tế cuộc sống, như vậy các tổ chức xã hội dân sự cũng không đối lập hay mâu thuẫn với nhà nước.
     Môi trường để các tổ chức xã hội dân sự hoạt động là do pháp luật tạo ra, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, vì dù thế nào đi nữa, các tổ chức xã hội dân sự cũng không nằm ngoài nhà nước. Những tổ chức xã hội dân sự thành lập, hoạt động, giải thể không có sự tham gia của chủ thể nhà nước dù vẫn thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Nhìn ở góc độ quyền lực, nếu nhà nước hoạt động dựa trên quyền lực nhà nước, gia đình có sức mạnh ràng buộc của huyết thống và sự tôn trọng người trưởng họ, trưởng tộc, người chủ gia đình, thị trường hoạt động trên sức mạnh của lợi ích kinh tế thì các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trên cơ sở sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Thực tế lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng trong xã hội loài người có nhà nước thì những quyền lực trên chưa bao giờ mất đi, chúng luôn tồn tại cùng với nhau và chỉ có thể vào mỗi giai đoạn, do các điều kiện khác nhau mà một, hoặc một vài trong chúng bị kiềm chế lại. Trong hoạt động, các đảng phái chính trị luôn có mục đích là giành chính quyền và nắm giữ chính quyền nên hoạt động luôn gắn với và hướng đến quyền lực chính trị - quyền lực nhà nước, vì vậy các đảng phái chính trị không thuộc xã hội dân sự và không được gọi là các tổ chức xã hội dân sự.
     Trong chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước không cấm đoán cũng như phủ nhận những giá trị tích cực của xã hội dân sự, tuy nhiên, cần kiên quyết đấu tranh với các luận điệu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" hay "tổ chức xã hội dân sự" để chống Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
     Thứ nhất, đấu tranh với luận điểm xuyên tạc cho rằng "xã hội dân sự là đối trọng quyền lực với nhà nước".
    Những chuyển động của xã hội dân sự đều phản ánh mong muốn, nguyện vọng của người dân trong xã hội. Như vậy nếu nhìn con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, thì bên cạnh mối quan hệ giữa con người với gia đình, con người - công dân với nhà nước thì xã hội dân sự là nơi của con người với con người trong xã hội cùng hướng tới mục đích phục vụ cộng đồng. Nhưng con người với con người trong một xã hội có nhà nước, thì, sớm hay muộn, những hoạt động cùng hướng tới mục đích phục vụ cộng đồng đấy cũng sẽ liên quan đến chủ trương, hay là chính sách, hay là pháp luật của nhà nước vì nhà nước nào cũng quản lý xã hội cả. Từ đó, xã hội dân sự có vai trò tích cực là nơi tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và giám sát các chủ trương và chính sách của Nhà nước, thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối Nhà nước, kể cả phẩm chất và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Các thế lực thù địch đã tìm cách xuyên tạc tính tích cực của xã hội dân sự trong việc tham gia, giám sát, phản biện, kể cả giám sát phẩm chất và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước để truyền bá quan điểm cho rằng "xã hội dân sự là đối trọng quyền lực với nhà nước", trong khi đó ở Việt Nam nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân và việc tham gia, giám sát, phản biện này chính là chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" của Đảng ta đã được Nhà nước triển khai thực hiện và mang lại nền dân chủ thực sự cho Việt Nam.
     Thứ hai, phản bác những luận điểm lái hướng tư tưởng cho rằng ‘‘Nhà nước chuyển hết việc của mình cho xã hội dân sự làm, đó mới là dân chủ’’
     Xã hội dân sự hoạt động trên sức mạnh của sự đoàn kết cộng đồng, không dựa trên sức mạnh của quyền lực nhà nước Xã hội dân sự có chức năng, vai trò của xã hội dân sự, nhà nước có vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, chẳng thể thay thế được cho nhau, nên nếu có phong trào nào đó "đòi nhà nước chuyển hết việc của mình cho xã hội dân sự làm, coi thế mới là dân chủ… " thì, hoặc đã sai lầm từ nhận thức ban đầu, hoặc đã đưa xã hội dân sự ra làm bình phong cho mục đích gì đó khác.
    Thứ ba, cảnh giác với thủ đoạn chuyển hóa các hội, tổ chức phi chính phủ… đi theo hướng "tổ chức xã hội dân sự" đi ngược với các tiêu chí thành lập ban đầu, tham gia chống phá Đảng và Nhà nước ta. 
     Nếu như trước đây, các thế lực thù địch thường núp bóng tổ chức "xã hội dân sự" trá hình làm công cụ quan trọng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, với các hướng như: Gia tăng hoạt động truyền bá "xã hội dân sự" nhằm gây áp lực xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tác động, can thiệp vào vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", coi đó như động lực để thúc đẩy sự phát triển của "xã hội dân sự" trá hình; Tuyên truyền, tác động để phá hoại nội bộ, thúc đẩy quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm gây dựng, phát triển lực lượng cho các tổ chức "xã hội dân sự" chính trị đối lập [1]… thì trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch gia tăng tác động với mục tiêu chuyển hóa các hội, các tổ chức phi chính phủ… trở thành các tổ chức phát triển theo hướng đối lập với Nhà nước ta. Các thành viên của các "tổ chức xã hội dân sự" này luôn tìm mọi cách, lợi dụng mọi diễn đàn để lên tiếng đòi quyền dân chủ, lên tiếng phản biện theo hướng tiêu cực, thiếu tính xây dựng vào các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Theo thời gian, các hội, các tổ chức phi chính phủ này đi chệch khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu, trở thành các lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng và về bản chất, các tổ chức này đã biến thành các đảng phái chính trị, không còn là những tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa như ban đầu.
     Thứ tư, đấu tranh với thủ đoạn phân tích khía cạnh đề cao tính tự giác, tự nguyện của xã hội dân sự, kêu gọi phát triển xã hội dân sự dần thay thế vai trò của Nhà nước theo đúng hướng đi lên chủ nghĩa cộng sản và triệt tiêu Nhà nước như quan điểm của chủ nghĩa Mác, nhưng lồng ghép vào đó nội dung phủ nhận yếu tố bản chất giai cấp của nhà nước và xã hội dân sự, cho rằng xã hội dân sự là “phi giai cấp” và đồng nhất với nhà nước khế ước xã hội, núp bóng việc phân tích về xã hội dân sự theo quan điểm của Mác-Lênin để lái hướng về nguồn gốc nhà nước.
     Thủ đoạn mới của những "nhà tư tưởng" phản động là không tách bạch xã hội dân sự với nhà nước mà cho rằng nhà nước là giai đoạn quá độ để đi lên xã hội dân sự, nhà nước và xã hội dân sự đều có bản chất là sự tự nguyện tham gia và đề cao tính tích cực của người dân. Qua những luận điểm đó, gián tiếp phủ nhận bản chất giai cấp của nhà nước, phủ nhận đấu tranh cách mạng để giành và giữ chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, từ đó khuyến khích ảo tưởng dùng cách mạng màu núp dưới bóng yêu cầu quyền dân chủ để lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Sự nguy hiểm của thủ đoạn mới này là ở chỗ các luận điểm này bắt đầu từ xã hội dân sự theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin nên tạo ra sự mất cảnh giác trong quá trình nghiên cứu, học tập và tiếp nhận do đó cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với thủ đoạn mới này của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, khẳng định hệ tư tưởng Mác-Lênin về nguồn gốc nhà nước và bản chất giai cấp của nhà nước cũng như vai trò của đấu tranh cách mạng và sứ mệnh của Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân.
     Tóm lại, lịch sử phát triển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chứng minh giành được độc lập, giữ được chính quyền, tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có sức mạnh toàn dân tập hợp quanh Đảng Cộng sản. Do đó sự hình thành và phát triển của Nhà nước ta không hề mâu thuẫn với xã hội dân sự và Nhà nước ta đã, đang và sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, xây dựng "thế trận lòng dân" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, với các chủ trương của Đảng chính sách Nhà nước hợp lòng dân, hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra, đó là tiền đề phát huy vai trò chung tay hướng tới lợi ích cộng đồng của xã hội dân sự. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần nâng cao nhận thức, nhận diện đúng về xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự đích thực, đấu tranh với các "tổ chức xã hội dân sự" trá hình. Song song với đó là vạch trần âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trong việc cổ súy, lợi dụng, núp bóng tổ chức "xã hội dân sự" vào mục đích thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam./.
Lê Thanh Nam - K.CSHS
------------------------------------------------------
[1]. Bùi Thanh Tuấn, Thúc đẩy “Xã hội dân sự” ở Việt Nam - Hình thức chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.
 

 

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 397
Tất cả 7,468,101