Thứ 2, 23/11/2015 17:13 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

TUYỆT VỜI NƯỚC CỐT RAU CỦ

     Nước cốt rau củ tươi chứa nhiều vitamin và chất khoáng, cơ thể dễ hấp thu, giúp tăng thể lực, trì hoãn lão hóa.

 

     Nước cốt rau củ là thức uống thiên nhiên rất tốt, nguồn gốc phong phú, chế biến đơn giản, gần như mùa nào cũng có. Được mệnh danh là “máu thực vật”, nước rau củ đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Dưới đây là những loại rau củ quen thuộc, có thể cho vào máy xay thành nước cốt:

     Cà chua

    Cà chua có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lycopen trong cà chua có thể ức chế các loại nấm và vi khuẩn. Nó còn công hiệu sinh tân (tạo thể dịch) giải khát, tiêu thực và lợi tiểu. Cà chua sắc màu tươi rói, giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường.

Cà chua là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và chữa bệnh

Ảnh: Tấn Thạnh

     Dưa leo

    Dưa leo (dưa chuột) tính vị hơi mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, trừ thấp, trấn thống (giảm đau). Dưa leo chứa nhiều vitamin và chất khoáng, là một trong những thức uống tốt giải thử (chống nóng) mùa hè và là thức ăn tốt giảm béo phì. Nước cốt dưa leo tươi còn có thể được dùng làm mỹ phẩm mà đặc biệt là công dụng tẩy sạch làn da.

     Cà rốt

    Cà rốt tính vị ngọt bình, hơi ấm, không độc. Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy cà rốt có tác dụng giảm áp, cường tim, tiêu viêm và chống dị ứng. Nước cốt cà rốt cùng với sữa bò, mỗi thứ một nửa hòa lại, sẽ trở thành một loại thức uống cường thân rất tốt, chứa nhiều vitamin, protid và canxi.

     Lá hẹ

    Hẹ tính vị cay, nóng, ấm, không độc, có tác dụng kiện vị sảng khoái, cầm mồ hôi. Trong hẹ chứa nhiều vitamin C và có cả chất sát khuẩn allicin. Hẹ sau khi rửa sạch ngâm nửa giờ trong nước sôi để nguội, xay ra nước uống, trị chứng nấc cụt rất có hiệu quả. Do trong hẹ có chứa hợp chất sulfua, saponin và chất đắng nên có thể dùng chung với các thức uống khác.

     Củ năng

   Củ năng tính vị ngọt, bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, giảm huyết áp, thông lâm lợi tiểu. Củ năng còn chứa chất kháng khuẩn, có tác dụng ức chế staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng), E.coli, pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh). Nước cốt củ năng thanh thơm khoái khẩu, có thể dùng để điều hòa nồng độ của các thức uống khác.

     Cải thảo

    Cải thảo tính vị ngọt bình, có công năng giải nhiệt trừ phiền, thông lợi đường ruột. Nước cốt cải thảo được dùng thường xuyên có thể phòng ngừa bệnh ung thư máu, giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, đặc biệt hiệu quả đối với chứng loét dạ dày. Có thể tăng thêm vị thơm của nước cốt cải thảo nếu trộn thêm một ít nước cốt rau cần.

     Rau cần

    Rau cần tính vị ngọt, mát, không độc, giúp hạ áp lợi tiểu, mát máu, cầm máu; có tác dụng nhất định đối với các chứng tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tiểu nóng rát không thông, phong thấp, phụ nữ huyết trắng... Trong rễ lá rau cần còn chứa saponin, tinh dầu và nhiều vitamin. Đây là một loại thức uống có tác dụng tăng sự thèm ăn, trợ tiêu hóa, giảm huyết áp. Khi dùng rau cần xay ra nước cốt cần lưu ý: Lá rau cần hơi đắng, có thể bỏ đi phần lá; chọn loại rau cần có màu càng đậm thì chất dinh dưỡng càng dồi dào. Khi dùng rau cần dưới dạng thức uống, có thể thêm vài giọt nước cốt chanh hoặc nước trái cây tươi khác để tăng thêm hương vị.

     Bó xôi

    Bó xôi có công hiệu bổ máu, cầm máu, giải khát, nhuận trường, trợ tiêu hóa, thúc đẩy tuyến tụy bài tiết, đặc biệt trị chứng chứng quáng gà rất hiệu quả. Nước cốt bó xôi chứa nhiều vitamin, sắt, canxi, kẽm... nhưng thay vì dùng riêng lẻ, nên phối hợp với các loại nước rau khác và cho thêm đường vừa đủ.

    Lưu ý chung: Khi xay nước cốt rau củ, cần chọn loại rau xanh tươi lá non; rau củ quá già hoặc để quá khô đều không nên dùng. Cần dội rửa rau củ thật sạch để bảo đảm không còn dư lượng thuốc trừ sâu, trứng giun, ký sinh trùng và những vi khuẩn gây bệnh... Không ngâm rau củ trong nước quá lâu để tránh mất mát các vitamin tan trong nước. Nước cốt rau củ chế biến xong cần dùng hết trong ngày, nếu không sẽ dễ biến chất, hư hỏng và có thể gây ngộ độc.

 

Nguồn: Báo Lao động (http://nld.com.vn)

Sưu tầm: Hoàng Loan - Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 387
Tất cả 7,686,542