Thứ 2, 23/11/2015 16:57 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

TÍCH HỢP MÔN LỊCH SỬ: BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO NÓI GÌ?

     Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển: Tích hợp môn Lịch sử không phải là “xóa sổ” môn học này.

 

     Tại chương trình Diễn đàn giáo dục được phát sóng trực tiếp trên Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 22/11, nhiều chuyên gia và thính giả đã thể hiện ý kiến không đồng tình với nội dung tích hợp môn Lịch sử vào một số môn học khác trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     “Cắt vụn Lịch sử”

    Tại diễn đàn, các chuyên gia và thính giả nghe Đài đã bày tỏ nhiều băn khoăn về việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác như Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, an ninh thành một bộ môn được gọi là Công dân với Tổ quốc trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư Vũ Minh Giang tham gia trong một chương trình của VOV

     Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, đổi mới môn Lịch sử như vậy chẳng khác gì “cắt vụn” lịch sử.

     Trước đây, cách dạy và học môn Lịch sử theo kiểu hàn lâm, dạy những kiến thức “ngồn ngộn”, bắt học sinh phải nhớ, phải thuộc, khiến học sinh chán nản, không yêu thích môn học này.

     Vậy thì việc đổi mới đúng hướng là phải thay đổi cách dạy và học, chỉ dạy những kiến thức cơ bản nhất, thể hiện bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn như cho học sinh đi thăm quan bảo tàng, dạy qua phim ảnh…

      Giáo sư Vũ Minh Giang lo ngại, việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác không có điểm chung về cách tiếp cận là không phù hợp, và vẫn kiến thức cũ nhưng dạy theo kiểu tích hợp thì cũng không tạo ra sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, nếu không còn môn Lịch sử độc lập, thì liệu có còn tồn tại khoa Lịch sử trong các trường đại học sư phạm nữa hay không.

     “Nói đến đào tạo giáo viên, về cơ cấu tôi chưa nói đến trường đại học ngoài, mà trường đại học sư phạm còn giữ khoa Lịch sử hay không bởi vì môn Lịch sử không còn với tư cách là một môn độc lập, có lẽ lại xuất hiện khoa gọi là Công dân và Tổ quốc chăng? Còn nếu môn sử vẫn dạy và học như thế thì tôi cho là chúng ta sẽ có một đội ngũ không chuyên nghiệp.

     Tôi vẫn giữ quan điểm và tôi nghĩ rằng đây cũng là quan điểm của nhiều người, đó là đổi mới môn học Lịch sử theo logic nội tại của môn học mang tính khoa học này, thay vì đem những kiến thức lịch sử tích hợp vào môn học khác” - ông Vũ Minh Giang nói.

     Tích hợp không phải “xóa sổ” Lịch sử

    Trả lời những băn khoăn, lo lắng của các chuyên gia và thính giả, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc đổi mới này đã được Bộ nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đã thí điểm dạy thử thành công.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

     Tích hợp môn Lịch sử không phải là “xóa sổ” môn học này, cũng không có chuyện học sinh nào muốn học thì học, không học thì thôi, mà môn học Công dân với Tổ quốc là bắt buộc. Theo đó, chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng dần được thay đổi.

    Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Trước hết, khi thiết kế một chương trình mới, phải dựa vào năng lực thực tế của đội ngũ hiện nay. Đội ngũ giáo viên hiện chưa thực sự quen với năng lực dạy học tích hợp thì thiết kế chương trình ở mức độ vừa phải. Và chương trình đã thiết kế như vậy, như tôi nói là đã làm thử và giáo viên làm  rất tốt, có giáo viên còn đi xa hơn yêu cầu của Bộ.

     Còn các trường sư phạm sắp tới phải đào tạo ra đội ngũ giáo viên mới đáp ứng chương trình mới này, bằng cách thay đổi cơ cấu tổ chức, đổi mới chương trình đào tạo của trường sư phạm. Khi đặt ra vấn đề này thì sẽ còn tiếp tục đi xa hơn nữa, còn nếu cứ giữ như cũ thì sẽ không có hướng đổi mới”./.

 

Nguồn: Lưu Huyền - VOV News (http://vov.vn)

Sưu tầm: Thúy An -  Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 834
Tất cả 7,687,000