HÃY CÙNG HÀNH XỬ MỘT CÁCH CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN
Vừa qua, chuyện một số cán bộ công chức ở An Giang phải chịu phạt vì bị cho là xúc phạm đến Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên facebook đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Liên quan đến vụ việc, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Đào Trọng Thi
- Phóng viên: Từ vụ việc bị xử phạt vì nói xấu chủ tịch tỉnh trên mạng xã hội, ông có bình luận gì?
>> Ông Đào Trọng Thi: Cá nhân tôi có quan tâm đến vụ việc này nhưng không thực sự tìm hiểu kỹ. Nhưng tôi cho rằng, ở vụ việc này có những thông tin rất quan trọng thì báo chí lại phản ánh không rõ ràng cho dư luận được biết. Ví dụ hành vi xử phạt này là theo quy định nào, việc xử phạt đó có đúng không, mức xử phạt phải theo quy định về xử lý vi phạm hành chính, vậy có thỏa đáng không. Hành vi đó nên phạt hay không, phạt như vậy là nặng hay nhẹ... Đó là những thông tin lẽ ra báo chí phải phân tích rất cụ thể trong vụ việc mà dư luận đang sục sôi này. Chỉ khi làm rõ tất cả những thông tin này thì chúng ta mới có cái nhìn thật sự đúng về vụ việc.
Tôi cho rằng, tư duy lành mạnh trong vụ việc này phải là: nếu có vi phạm nghiêm trọng về phát tán thông tin trên mạng thì phải xử phạt thật nghiêm túc, không thể có sự bao biện nào kiểu như vô tình, không hiểu biết. Chúng ta đều biết, tác hại của việc phát tán thông tin không đúng trên mạng là rất nặng nề, làm rối loạn xã hội, thậm chí có thể dẫn đến những cái chết... Vì vậy, nguyên tắc chung là nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý thật nghiêm, không loại trừ bất cứ ai. Nhưng cũng phải tuân thủ đúng nguyên tắc là việc xử phạt phải nói rõ căn cứ điều khoản quy định nào của pháp luật, nói rõ hành vi vi phạm. Ví dụ trong vụ việc ở An Giang, nếu xử phạt người ta thì anh phải chứng minh được hành vi đó vi phạm ra sao, tác hại thế nào... Còn như báo chí đưa tin về vụ việc này tôi cho là chưa nói rõ ràng. Vì vậy dù đã tạo nên một hiệu ứng xã hội rất lớn nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự nắm rõ bản chất của vụ việc.
- Như vậy, theo ông nếu nói sai trên mạng xã hội thì phải phạt nghiêm và bảo đảm phạt đúng?
Dĩ nhiên, với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi vi phạm phải bị xử lý nghiêm. Nhưng mọi quyết định xử phạt phải bảo đảm đúng, công khai minh bạch, nhất là khi anh cho là người ta vi phạm quyền con người, quyền công dân. Ngược lại, nếu quyết định xử phạt không đúng thì người bị phạt oan cũng có thể khởi kiện nếu chứng minh được người đưa ra quyết định là sai.
- Qua vụ việc ở An Giang, có thể thấy những vấn đề liên quan đến ứng xử trên mạng xã hội ngày càng có tác động rõ rệt. Những quy định pháp lý hiện nay theo ông đã đầy đủ để xử lý các vụ việc tương tự chưa?
Để xã hội phát triển minh bạch, lành mạnh, phải củng cố nhiều khâu. Trong đó các quy định pháp luật cũng phải rõ ràng, chi tiết hơn để người ta có thể áp dụng được mà không sợ bị vướng, bị sai. Quy định của pháp luật càng chi tiết thì chúng ta thực thi càng đúng và đầy đủ. Không nên tùy tiện áp dụng, áp đặt. Chẳng hạn, phải quy định rõ mức độ nào là vu khống, xúc phạm người khác thì cơ quan chức năng mới có lý do mà xử lý người vi phạm được. Về phía người dân, tôi cho rằng người có hành vi phát tán thông tin, đăng tải thông tin một cách vu khống, sai sự thật cũng phải điều chỉnh hành vi của mình. Chúng ta cần sống một cách có trách nhiệm hơn, không thể cứ vi phạm rồi lại bao biện, phải chấp nhận nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Còn về phía người bị xúc phạm trên mạng xã hội, tôi cũng cho rằng phải có thái độ kiên quyết để tự bảo vệ mình cũng như yêu cầu pháp luật phải bảo vệ mình. Thực tế vừa qua, có nhiều người bị xúc phạm trên mạng xã hội nhưng lại nhẫn nhịn bỏ qua, như vậy cũng là không nên. Phải biết đấu tranh với cái sai, cái chưa đúng. Cách hành xử bỏ qua đó sẽ khiến xã hội thiếu lành mạnh đi, đừng nghĩ đó là sự cao thượng của mình, mà đó là việc góp phần làm cho xã hội thiếu lành mạnh.
Tóm lại, theo tôi, trong thời đại Internet bùng nổ hiện nay, cả xã hội chúng ta cùng phải chấn chỉnh lại. Chúng ta không thể sống theo kiểu thiếu tôn trọng mọi người, cộng đồng, thiếu tôn trọng pháp luật. Nếu không chấn chỉnh thì đến một ngày nào đó, hoạt động thiếu lành mạnh trên mạng sẽ mang lại hệ lụy rất kinh khủng, làm xã hội rối ren. Tôi cũng muốn lưu ý, không chỉ hoạt động trên mạng xã hội mà ngay cả trong hoạt động báo chí cũng vậy, đều phải chấn chỉnh lại. Chúng ta hãy cùng hành xử một cách có trách nhiệm hơn, với tinh thần thượng tôn pháp luật, vì một xã hội lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Người vi phạm điều này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện). Tuy nhiên, dư luận thời gian qua cho rằng vụ việc xử phạt ở An Giang là không thỏa đáng bởi hành vi trên chưa thể kết luận là xúc phạm cá nhân người khác.
Việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Người vi phạm điều này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện). Tuy nhiên, dư luận thời gian qua cho rằng vụ việc xử phạt ở An Giang là không thỏa đáng bởi hành vi trên chưa thể kết luận là xúc phạm cá nhân người khác.
Nguồn: Lâm Nguyễn - Báo Sài Gòn giải phóng (http://sggp.org.vn)
Sưu tầm: Thúy An - Phòng Quản lý NCKH, T39