Thứ 2, 23/11/2015 13:24 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

CẦN QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT CHƯƠNG TRÌNH SONG NGỮ

     Trước nhu cầu ngày càng lớn về hành trang ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, cho con cái của đông đảo phụ huynh, nhiều trường có yếu tố nước ngoài đã mở rộng đầu tư chương trình dạy song ngữ. Tuy nhiên, việc thẩm định, đánh giá chất lượng của chương trình này chưa theo chuẩn thống nhất và mạnh ai nấy làm.

 

 

Học sinh Trường quốc tế Việt Úc trong giờ học các môn khoa học với giáo viên nước ngoài

     Mỗi nơi mỗi kiểu

      Hầu hết các trường có yếu tố nước ngoài và do người Việt làm chủ đầu tư ở TPHCM đều triển khai mô hình dạy song ngữ, trong đó, một buổi học sinh học chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và một buổi học chương trình quốc tế với giáo viên bản ngữ. Nhờ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, cập nhật phương pháp dạy tiên tiến, sĩ số lớp học chỉ 20 - 25 học sinh/lớp, các chương trình song ngữ đã thu hút số lượng học sinh ngày một đông. Không chỉ tạo môi trường học chuẩn, giúp học sinh phát triển toàn diện, chú trọng trang bị các kỹ năng mềm, thì so với các trường dạy 100% tiếng Anh, chi phí học song ngữ thấp, chỉ bằng 1/4 - 1/5. Theo nhiều phụ huynh cho con học chương trình song ngữ ở các trường như Trường song ngữ Canada (BCIS), các trường quốc tế Việt Úc, Á Châu, Wellspelling…, con em của họ vẫn được học tiếng Việt nhưng có điều kiện trang bị ngoại ngữ chuẩn để sau này đi du học hoặc học đại học ở các trường quốc tế, trường liên kết đào tạo quốc tế.

    Theo ông Trịnh Quang Đồng (Trường song ngữ Canada BCIS), nhà trường vừa dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, vừa dạy song song các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Thời lượng học chia đều 50-50 nên học sinh lĩnh hội được chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng có điều kiện nâng cao trình độ tiếng Anh, tiếp cận với tư duy khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Để học sinh không bị áp lực học, nhà trường tích hợp hai chương trình, đối chiếu bổ sung một cách khoa học để tránh trùng lắp và phát triển  năng lực, tư duy của học sinh theo hướng tiên tiến. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới đây, 100% học sinh BCIS tốt nghiệp nằm trong tốp điểm cao của các trường THPT, trong đó phổ điểm bình quân môn tiếng Anh cao nhất, đạt 8,81 điểm và nhiều em đạt điểm 10 tuyệt đối. Thực tế này khẳng định chương trình song ngữ dạy đúng chuẩn thì học sinh sẽ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng và trang bị hành trang ngoại ngữ vững vàng. Tương tự, Trường quốc tế Việt Úc (VAS) cũng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông quốc tế Cambridge, tập trung dạy các môn tiếng Anh, Toán, Khoa học, Công nghệ thông tin đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 8, bổ sung thêm môn Kinh doanh hoặc Viễn cảnh toàn cầu đối với học sinh lớp 9-10. Những môn này được dạy song song với chương trình của Bộ GD-ĐT. Cuối lớp 10, học sinh dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học đại cương quốc tế Cambridge - IGCSE. Tiếp theo đó, học sinh có thể lựa chọn chương trình A-Level (tương đương lớp 11-12) của Cambrige và thi lấy bằng A-Level có giá trị toàn cầu, phục vụ mục tiêu đi du học bậc đại học.

     Như thế, tùy theo điều kiện và mục tiêu giáo dục, các trường có yếu tố nước ngoài hoặc một số trường ngoài công lập đã chú trọng đầu tư chương trình song ngữ theo nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có trường buổi sáng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT và buổi chiều vẫn dạy chương trình này nhưng dịch ra tiếng Anh. Cách làm này được áp dụng ở Trường song ngữ Hirozon trước đây và bị “thổi còi”. Khi đoàn của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát các trường có yếu tố nước ngoài thì Sở GD-ĐT TPHCM mới phát hiện chương trình dịch thuật này chưa được sở thẩm định về chuyên môn.

     Quy định chưa rõ ràng

     Nhìn thấy xu hướng nở rộ trên, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích các trường trên địa bàn có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức giảng dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học. Bên cạnh đó, các trường mở rộng việc dạy thêm các môn Toán, Khoa học, Công nghệ thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Anh quốc tế theo giáo trình nước ngoài, ngoài chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay thành phố có trên 30 trường có yếu tố nước ngoài và số trường đăng ký dạy chương trình song ngữ ngày một tăng. Theo nhận định của ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập (Sở GD-ĐT), qua kiểm tra 12 trường có yếu tố nước ngoài cho thấy các trường đều có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đảm bảo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT và đầu tư chương trình song ngữ khá bài bản. Hình thức áp dụng chung là bên cạnh dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường đều tăng cường dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh nhằm giúp học sinh nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, tiếp cận chuẩn đầu ra đạt trình độ quốc tế.

     Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, do chưa có quy định rõ ràng và thiếu chương trình chuẩn về dạy song ngữ nên vấn đề này còn thả nổi, mạnh ai nấy làm, áp dụng đủ kiểu Anh, Mỹ, Australia… Thậm chí, có trường quảng cáo mập mờ giữa hai chương trình Việt - quốc tế và chủ yếu tăng cường thêm thời lượng học tiếng Anh hoặc dạy trùng lắp nội dung, khập khễnh kiến thức. Trước thực tế này, rất cần chuẩn thống nhất đánh giá về chất lượng các chương trình song ngữ ở Việt Nam. Theo ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế công lập TPHCM, cùng lúc học nhiều chương trình với cách đánh giá xếp loại khác nhau -  vừa theo chuẩn Việt Nam, vừa theo chuẩn quốc tế - sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, quá tải. Kinh nghiệm từ một số nước triển khai chương trình song ngữ hiệu quả, trong đó có Indonesia, cho thấy Bộ Giáo dục nước họ chỉ đạo, quản lý thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới và theo một chuẩn kiểm tra đánh giá. Theo đó, các trường được phép dạy chương trình song ngữ phải tuân thủ theo chuẩn chung: dạy các môn Khoa học xã hội bằng tiếng mẹ đẻ (Indonesia) và dạy Ngoại ngữ, Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, nhưng dịch từ chương trình phổ thông quốc gia của họ, chứ không dựa theo chuẩn của nhiều nước. Chương trình thống nhất này mang lại lợi ích thi cử và cùng một thời điểm thi cử, học sinh học song ngữ sẽ thi bằng tiếng Anh, còn học tiếng mẹ đẻ thì thi bằng tiếng mẹ đẻ.

     Đổi mới giáo dục đang đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra thống nhất, chứ không thể để tự phát như hiện nay.

 

Nguồn: Khánh Bình - Báo Sài Gòn giải phóng (http://sggp.org.vn)

Sưu tầm: Thúy An -  Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 671
Tất cả 7,686,834