VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG: CỬ TRI ĐỀ NGHỊ CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH KHẢ THI, QUYẾT LIỆT HƠN
Tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội của Ban Dân nguyện Quốc hội cho thấy, cử tri tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những hành động vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc; sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong báo cáo trả lời của Bộ Ngoại giao, bộ này cho biết, trước việc từ tháng 9-2014 đến nay Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa, Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm một cách liên tục, thường xuyên, thông qua nhiều kênh đối thoại với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao và các diễn đàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ giữa hai bên, thông qua công hàm của Bộ Ngoại giao cũng như trao đổi trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại biển Đông. Với các nước và diễn đàn quốc tế, Việt Nam chủ động thông báo tình hình biển Đông, giải thích để tranh thủ sự ủng hộ. Lãnh đạo nhiều nước như Thủ tướng Đức, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Nhật… đã chia sẻ quan ngại của ta, ủng hộ chủ trương của ta trong vấn đề biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng. Gần đây, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (tháng 8-2015) lần đầu tiên nêu vấn đề biển Đông trong Thông cáo chung của hội nghị. ASEAN đã nhận thức rõ về nguy cơ và tính nghiêm trọng của tình hình biển Đông và đạt được sự thống nhất cao hơn trong vấn đề này. Văn bản trả lời cũng nêu rõ, Trung Quốc là nước lớn, láng giềng quan trọng của Việt Nam. Việt Nam coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên. Bộ Ngoại giao khẳng định, đối với những hành động sai trái của phía Trung Quốc, Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và bảo đảm được chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Một mặt chúng ta vẫn đảm bảo tiếp tục phát triển quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, mặt khác ta kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, thời gian tới, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là lực lượng nòng cốt, trực tiếp bảo vệ trên thực địa, với yêu cầu kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, sẵn sàng tự vệ khi cần thiết…
Nguồn: Phan Thảo - Báo Sài Gòn giải phóng (http://sggp.org.vn)
Sưu tầm: Thúy An - Phòng Quản lý NCKH, T39