Thứ 2, 9/11/2015 17:44 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

CHƯA ĐỦ CƠ SỞ KHOA HỌC QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN

     Theo PGS, TS Nguyễn Phong Hòa, quy định của luật hình sự đại đa số các nước, việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với cá nhân (thể nhân, con người cụ thể). Đối với nước ta, lịch sử pháp luật hình sự cũng chưa từng quy định TNHS đối với pháp nhân.

 

      “Quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong pháp luật Việt Nam nên cần có sự nghiên cứu, khảo sát cẩn thận, kỹ càng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm thực hiện của các nước trên thế giới đã quy định về vấn đề này, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, không nên sửa nhanh nếu chưa thực sự cần thiết” – Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định:

     Theo PGS, TS Nguyễn Phong Hòa, quy định của luật hình sự đại đa số các nước, việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với cá nhân (thể nhân, con người cụ thể). Đối với nước ta, lịch sử pháp luật hình sự cũng chưa từng quy định TNHS đối với pháp nhân

    - Dự thảo mới nhất trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã quy định TNHS của pháp nhân và qua thảo luận tại Quốc hội, đây là vấn đề lớn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Từ góc độ lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự ở nước ta, Thiếu tướng có thể phân tích những luận cứ khoa học nào để bảo vệ quan điểm không quy định TNHS của pháp  nhân trong BLHS?

     Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó; nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chưa nên quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS tại thời điểm này, vì một số nguyên nhân sau:

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa.

     Thứ nhất, theo pháp luật hiện hành của Nhà nước ta thì hình phạt chỉ áp dụng đối với cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa TNHS, tội phạm là con người cụ thể, nên không truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Các quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Theo đó, trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra. Các biện pháp xử lý hành chính, dân sự này cơ bản đã bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân và đã đáp ứng được yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các điều ước quốc tế không đòi hỏi nhất thiết phải xử lý hình sự đối với pháp nhân mà có thể là trách nhiệm hành chính, dân sự phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia).

     Thứ hai, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân như tước giấy phép vĩnh viễn - buộc pháp nhân phải giải thể sẽ ảnh hưởng đến những người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trật tự xã hội, sự phát triển của nền kinh tế. Việc xử lý hình sự phải trải qua quá trình tố tụng phức tạp, kéo dài nên sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các pháp nhân kinh tế, trong đó xử lý bằng biện pháp hành chính với thủ tục nhanh gọn sẽ ít tác động tiêu cực hơn đối với pháp nhân. Mặt khác, về mặt tố tụng hình sự , nhiều nội dung chưa có phương án giải quyết như chủ thể tham gia tố tụng, thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân...

Sửa đổi chính sách hình sự là vấn đề lớn, đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ càng

     Thứ ba, dự thảo BLHS đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với pháp nhân chỉ trong 32 loại tội (được quy định trong Điều 76) và không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội (khoản 2, Điều 2) sẽ không bảo đảm tính bình đẳng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (từ Điều 14 đến Điều 49), không có điều khoản quy định về pháp nhân, tuy nhiên, tại Điều 51, khoản 2 quy định “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Do đó, trong tình hình hiện nay, nếu quy định như Điều 2 dự thảo BLHS (sửa đổi) có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

     Thứ tư, dự thảo hiện còn nhiều điểm bất cập, thiếu sót trong việc bổ sung quy định liên quan đến pháp nhân, nếu nóng vội đưa vào Luật sẽ gây khó khăn cho việc thực thi hoặc phải có những phương án sửa đổi, hướng dẫn bổ sung.Thứ ba, dự thảo BLHS đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với pháp nhân chỉ trong 32 loại tội (được quy định trong Điều 76) và không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội (khoản 2, Điều 2) sẽ không bảo đảm tính bình đẳng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (từ Điều 14 đến Điều 49), không có điều khoản quy định về pháp nhân, tuy nhiên, tại Điều 51, khoản 2 quy định “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Do đó, trong tình hình hiện nay, nếu quy định như Điều 2 dự thảo BLHS (sửa đổi) có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

      - Cụ thể là những bất cập, thiếu sót nào, thưa Thiếu tướng?

     Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Chẳng hạn về khái niệm của tội phạm, Điều 8, khoản 1, bổ sung định nghĩa chủ thể của tội phạm là pháp nhân (Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do pháp nhân hoặc người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,…), tuy nhiên, pháp nhân không phải là con người cụ thể, không có trí tuệ, năng lực nhận thức, mong muốn cá nhân nên không thể có lỗi "cố ý hoặc vô ý" được. Nếu truy cứu TNHS đối với pháp nhân, tức là xác định pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì cần thay đổi cơ bản lý luận về tội phạm hiện nay.

     -  Còn về phạm vi các pháp nhân có thể phải chịu TNHS?

    Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Quy định về phạm vi các pháp  nhân có thể phải chịu TNHS cũng chưa rõ ràng: Đoạn đầu của Khoản 2, Điều 2 quy định: "

    Chỉ pháp nhân nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu TNHS.

   "Trong khi đó, phạm vi các pháp nhân có thể là chủ thể của TNHS chưa được xác định. Do vậy, quy định trên đây có thể được hiểu Dự thảo không giới hạn phạm vi các pháp nhân có thể là chủ thể của TNHS.

     Đoạn thứ hai của Khoản 2, Điều 2 quy định:

   "Quy định này không áp dụng với cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội".

    Với quy định này, Dự thảo muốn giới hạn phạm vi các pháp nhân có thể phải chịu TNHS. Theo đó, chỉ các pháp nhân không phải là cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội mới có thể phải chịu TNHS.

    Tuy nhiên, nội dung trên đây cũng có thể được hiểu, giới hạn phạm vi các tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS (nội dung của đoạn đầu Khoản 2 Điều 2) không được áp dụng cho trường hợp pháp nhân là cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Như vậy, dễ dẫn đến nhận thức cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội có thể phải chịu TNHS về tất cả các tội phạm.

    - Việc giới hạn phạm vi pháp nhân phải chịu TNHS đã loại trừ nhiều pháp nhân mà trên thực tế, các pháp nhân đó có thể có các hành vi và gây hậu quả đến mức phải chịu TNHS. Điều này sẽ dẫn tới sự bất công bằng và không  thống nhất (vốn là một nguyên tắc của pháp luật hình sự) khi cùng hành vi, hậu quả nhưng có pháp nhân thì phải chịu TNHS, có pháp nhân lại nghiễn nhiên được miễn trừ?

Hành vi xả chất bẩn ra môi trường của pháp nhân theo dự thảo BLHS sửa đổi là phải chịu TNHS, trong khi vấn đề này chưa được đánh giá đầy đủ.

     Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Đó cũng là một vấn đề đặt ra đòi hỏi phải làm rõ, có khảo sát, đánh giá một cách khoa học. Đồng thời, như Điều 2 dự thảo khẳng định, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS về các tội được xác định tại Điều 76. Theo đó, Điều 76 liệt kê các tội danh cụ thể mà pháp nhân có thể phải chịu TNHS về các tội danh đó. Với cách quy định này, người đọc có thể biết ngay pháp nhân có thể phải chịu TNHS về những tội danh nào. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, quy định lại chưa thật hợp lý, vì khi thêm hoặc bớt một tội danh có quy định TNHS của pháp nhân thì không những phải sửa đổi điều luật về tội danh có liên quan mà cũng phải sửa cả Điều 76. Hơn nữa, việc quy định về cùng một nội dung không nhất thiết phải quy định đồng thời ở cả 2 điều luật.

    - Dự thảo BLHS sửa đổi đã đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tại hai kỳ Quốc hội và dự kiến cuối kỳ này sẽ chính thức thông qua. Thời gian đến thời điểm đại biểu ấn nút biểu quyết đã rất gấp trong khi một vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi điều chỉnh pháp luật hình sự như pháp nhân lại chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng?  

     Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Quy định TNHS của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong pháp luật Việt Nam nên cần có sự nghiên cứu, khảo sát cẩn thận, kỹ càng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm thực hiện của các nước trên thế giới đã quy định về vấn đề này, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, không nên sửa nhanh nếu chưa thực sự cần thiết. Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định mới cần có sự nghiên cứu để quy định đồng bộ, tổng thể trong cả BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự để quá trình thực thi pháp luật được thuận lợi, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có những bước tiến hành thận trọng, phù hợp, tránh những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh.

     -  Xin cảm ơn Thiếu tướng!

 

Nguồn: Báo điện tử Công an nhân dân (http://cand.com.vn)

Sưu tầm: Trọng Toàn - Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 1117
Tất cả 7,468,929