Thứ 6, 30/10/2015 19:44 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

XÓA NỢ THUẾ PHẢI MINH BẠCH, CÔNG BẰNG

     Chiều 29-10, Quốc hội đã họp ở tổ về hai dự án: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm là nên hay không việc xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp (DN) và nếu xóa nợ thuế phải công khai, minh bạch, cũng như công bằng với các DN khác.

 

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa thảo luận tại tổ (Ảnh: LÃ ANH)

     Không xóa để bình đẳng hay xóa có điều kiện?

     Tại dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế ở nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua việc xóa nợ thuế đối với DNNN để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại. Trong đó, đối tượng gây tranh cãi là nhóm DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN. Không đồng tình với đề nghị này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, điều này sẽ dẫn đến sự không công bằng với các thành phần kinh tế khác. Với các DN thuộc diện xóa nợ thuế thì có cổ phần hóa thu được bao nhiêu cũng là về ngân sách nên “thà minh bạch thì tốt hơn, truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm”. Chính phủ cần cho biết thêm việc xóa nợ thuế là bao nhiêu tiền để các ĐB cân nhắc quyết định. Vấn đề quan trọng là phải minh bạch.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại buổi họp tổ

     ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cũng đồng tình với việc không xóa nợ vì cho rằng điều này không hợp lý nếu đặt cạnh các DN khác. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, để công bằng với các DN khác thì DNNN nợ cũng phải trả kể cả khi cổ phần hóa. Nhà đầu tư mua cổ phần DN phải có trách nhiệm kế thừa. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bày tỏ: “Đồng tình làm chính sách là để tháo gỡ khó khăn nhưng nếu điều đó không minh bạch, rõ đối tượng thì cần phải xem xét. Không thể để chính sách bị lợi dụng cho nhóm lợi ích. Kinh doanh có lời, lỗ do khách quan, chủ quan phải minh bạch”. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch, cho rằng, việc bỏ thuế phải kèm theo điều kiện. Do đó, Chính phủ phải báo cáo rõ bao nhiêu DN được xóa nợ, số tiền bao nhiêu và cần phải có báo đánh giá tác động về lợi ích việc này ra sao.

     Đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Du Lịch, ĐB Đặng Thành Tâm (TPHCM), cho rằng, nếu việc xóa nợ không vi phạm các cam kết quốc tế thì có thể làm. Bởi lẽ, xóa nợ thuế để có thể bán cổ phần lần đầu ra công chúng thuận lợi hơn, Nhà nước thu được nhiều hơn còn nếu DN lỗ sẽ có giá trị DN thấp, bán khó, DN đó cũng khó vay vốn ngân hàng và đối tác nhìn vào DN sẽ không dám hợp tác thì DN càng khó khăn hơn.

     Xem lại chiến lược công nghiệp ô tô

     Theo ĐB Trần Du Lịch, xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, theo lộ trình hội nhập ASEAN thì đến năm 2018 thuế nhập khẩu sẽ còn 0%. Việt Nam mấy chục năm nay không có nội địa hóa ô tô vì chúng ta không làm được hai điểm nhấn quan trọng của ô tô động cơ và hộp số. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cơ bản là lắp ráp. Đến 2019 thuế thấp thì khoảng cách để cạnh tranh ô tô trong và ngoài nước không đáng kể, điều này dẫn đến nguy cơ những hãng trong nước không sản xuất mà nhập khẩu ô tô về để bán. “Về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc tăng thuế dòng ô tô dung tích trên 2.000cm³ ủng hộ nhưng dòng xe dung tích dưới 2.000cm³ nếu cắt giảm mạnh thuế liệu các hãng ô tô trong nước có tồn tại. Để trả lời câu hỏi này cần phải có đánh giá tác động. Với người tiêu dùng, họ ủng hộ việc cắt giảm thuế nhưng ở tầm quốc gia thì cũng cần phải tính toán là có cần thiết duy trì ngành công nghiệp ô tô với sản phẩm là dòng xe dung tích xi lanh nhỏ nữa hay không?” - ĐB Trần Du Lịch nói. Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, không nên chia quá nhỏ dung tích các loại xe để đánh thuế mà nên theo hướng dòng xe dung tích xi lanh dưới 1.500cm³ thành một nhóm thay vì dung tích xi lanh dưới 1.000cm³ như dự thảo (chỉ chiếm 10% thị phần) và cũng do dòng xe này phù hợp với đường sá Việt Nam.

     ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), cũng cho rằng, chính sách nên khuyến khích giảm thuế cho xe ô tô có dung tích xi lanh nhỏ nhưng không nên phân nhiều bậc như quy định của Chính phủ (dưới 2.000cm³ chia thành 3 mức). Còn với xe dung tích lớn, tiêu thụ năng lượng nhiều thì cần tăng thuế lên. Tuy nhiên, ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, băn khoăn, xe ô tô dung tích dưới 1.000cm³ thì thuế giảm nhưng chỉ phù hợp với đồng bằng, còn xe trên 2.000cm³ thì miền núi, vùng Tây Bắc, có nhu cầu sử dụng nhiều, nhưng thuế cao sẽ khiến việc sở hữu gặp khó khăn.

 

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng (http://sggp.org.vn)

Sưu tầm: Thúy An -  Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 1065
Tất cả 7,468,877