Thứ 6, 30/10/2015 19:37 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

PHẢI BẢO ĐẢM YÊU CẦU NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

     Chiều 29/10, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo về các quy định liên quan đến điều tra trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các Tổng cục, Vụ, Cục và Công an một số địa phương.

 

     Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định, Bộ luật Tố tụng hình sự là đạo luật lớn, rất quan trọng, quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND và mô hình tổ chức cơ quan điều tra hình sự. 

      Quá trình triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nói chung, trong CAND nói riêng là rất thuận lợi, cơ bản đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam và các đại biểu dự Hội Thảo

     Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Viện KSND tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng. Trong đó, Bộ Công an trực tiếp soạn thảo 3 phần: Khởi tố, điều tra; hợp tác quốc tế; thi hành án.

     Cho đến nay, cơ bản việc nghiên cứu, bổ sung các quy định của dự thảo Bộ luật đã được hoàn thành. Tuy nhiên, còn một số nội dung có liên quan trực tiếp đến hoạt động điều tra cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm một mặt bảo đảm được quyền con người, quyền công dân nhưng đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, không gây cản trở cho hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm. 

     Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Công an các đơn vị, địa phương đã trình bày bản tham luận về các quy định liên quan đến điều tra trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). 

     Các đại biểu đều khẳng định, về cơ bản, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp 2013; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. 

     Các quy định của dự thảo Bộ luật hướng tới tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công dân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; xác định rõ hơn trách nhiệm của từng chức danh tố tụng; cụ thể hơn trình tự, thủ tục nhằm tạo điều kiện để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định. 

     Theo đó, hội thảo nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, còn một số nội dung, nhất là các nội dung liên quan đến điều tra cần thảo luận rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn, góp phần chỉnh lý dự thảo Bộ luật cho phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để điều tra, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao.

     Liên quan đến vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự, các ý kiến của các đại biểu cơ bản thống nhất để “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” theo khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, cần thiết bổ sung quy định, người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. 

     Tuy nhiên, không nên đặt vấn đề người tham gia tố tụng có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ, vì quy định theo hướng này sẽ không phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. 

     Theo nguyên tắc này, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải do các cơ quan, người tiến hành tố tụng tiến hành và chỉ có các chủ thể này mới có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Mặt khác, nếu quy định người tham gia tố tụng cũng có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ sẽ dẫn đến trùng dẫm, phức tạp cho hoạt động giải quyết vụ án hình sự. 

     Về thời hạn tạm giam, hội thảo cơ bản thống nhất theo hướng, tiếp tục giữ quy định hiện hành về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam. Về trường hợp phải chỉ định người bào chữa, hội thảo nhất trí với phương án chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình mà không mở rộng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù từ 15 năm trở lên để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện về người bào chữa ở nước ta hiện nay.

Công an tỉnh Sơn La khám phá một vụ vận chuyển ma túy. Ảnh: Minh Phong.

     Về quyền của người bào chữa tham gia tố tụng, cơ bản các đại biểu thống nhất, để bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ nên quy định người bào chữa có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình thu thập tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc bào chữa, không nên quy định người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ.

     Về việc hỏi của người bào chữa trong buổi hỏi cung, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, “người bào chữa chỉ được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý”. Quy định này không làm hạn chế quyền của người bào chữa, bởi vì trong cuộc hỏi cung do điều tra viên hoặc kiểm sát viên chủ trì với tư cách tiến hành tố tụng thì phải do điều tra viên, kiểm sát viên điều hành, người bào chữa chỉ với vai trò tham gia. Nếu sau khi hỏi cung xong mà người bào chữa có quyền hỏi bị can theo ý của mình thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian cũng như kết quả của cuộc hỏi cung. Còn việc thực hiện quyền của người bào chữa đối với việc gặp, hỏi người bị bắt, bị can cũng đã được quy định trong dự thảo Bộ luật.

     Về việc cấp Giấy đăng ký bào chữa, cơ bản các ý kiến thống nhất chỉnh lý quy định “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “cấp Giấy đăng ký bào chữa” đồng thời để việc bào chữa kịp thời, cần phải rút ngắn thời gian và đơn giản thủ tục cấp Giấy đăng ký bào chữa để tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

     Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, các đại biểu đều khẳng định quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định tiến bộ, góp phần bảo đảm cho hoạt động hỏi cung bị can được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế bức cung, dùng nhục hình; đồng thời việc ghi âm, ghi hình còn bảo vệ người hỏi cung trước sự vu cáo về việc bức cung, nhục hình. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành những quy định pháp luật chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm là cần thiết. 

     Tuy nhiên, quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can như thế nào để vừa đạt được mục đích, yêu cầu, hiệu quả đề ra, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, trước mắt chỉ nên quy định theo hướng áp dụng việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong một số trường hợp cụ thể như: bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội.

     Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, cơ bản các ý kiến đều thống nhất, để bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của bị can theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cần quy định quyền của bị can, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án. Về thời điểm đọc, ghi chép kể từ khi kết thúc điều tra; về tài liệu để bị can đọc là tài liệu có liên quan đến buộc tội, gỡ tội bị can, tài liệu này là bản sao hoặc đã được số hóa nhằm đảm bảo an toàn cho hồ sơ vụ án.

     Về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, hiện còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, không nên quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong dự thảo Bộ luật mà cần quy định trong luật chuyên ngành khác. Loại ý kiến thứ 2 nhất trí với quy định về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt trong dự thảo Bộ luật nhưng quy định rõ thời điểm áp dụng, biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là kể từ khi khởi tố vụ án và chỉ nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

 

Nguồn: Nguyễn Hương - Báo Công an nhân dân online (http://cand.com.vn)

Sưu tầm: Đỗ Dũng - Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 1353
Tất cả 7,469,163