QUY ĐỊNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐH MÔN HỌC GIÁO DỤC THỂ CHẤT
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, khối lượng kiến thức của chương trình môn học Giáo dục thể chất mà người học cần tích lũy tối thiểu là 3 tín chỉ. Cơ sở giáo dục đại học quy định cụ thể khối lượng kiến thức môn học này phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.
Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học quyết định số lượng thành viên tham gia và ra quyết định thành lập tổ soạn thảo chương trình môn học Giáo dục thể chất.
Thành phần Tổ soạn thảo là những người am hiểu về giáo dục thể chất và có năng lực xây dựng và phát triển chương trình, gồm: một số giảng viên giáo dục Thể chất; đại diện khoa hoặc bộ môn giáo dục thể chất; đại diện phòng đào tạo và một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục về thể dục, thể thao ở trong và ngoài cơ sở đào tạo.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình môn học Giáo dục thể chất và các điều kiện đảm bảo triển khai dạy học (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định).
Hội đồng thẩm định gồm ít nhất 3 thành viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên, đúng ngành về giáo dục thể chất hoặc huấn luyện thể thao; các thành viên Tổ soạn thảo không tham gia Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định, gồm: Chủ tịch, uỷ viên thư ký và các uỷ viên phản biện, trong đó có ít nhất 2 người ngoài cơ sở đào tạo.
Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định chương trình môn học Giáo dục thể chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng để triển khai dạy học; kết luận thông qua hay không thông qua chương trình môn học Giáo dục thể chất của cơ sở giáo dục đại học.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ban hành chương trình môn học Giáo dục thể chất trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định và đề nghị của hội đồng khoa học và đào tạo.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình theo chương trình môn học Giáo dục thể chất để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập; tổ chức cập nhật, đánh giá chương trình môn học Giáo dục dục thể chất theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn và các tiến bộ của khoa học chuyên ngành;
Công bố công khai chương trình môn học Giáo dục thể chất ngay từ đầu khóa học để người học có thể lựa chọn các học phần và đăng ký học tập;
Bố trí giảng viên, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu của chương trình môn học Giáo dục dục thể chất và việc luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực cho người học, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và các nội dung khác quy định tại Thông tư này.
Giảng viên có trách nhiệm kiểm tra và kiến nghị với cơ sở giáo dục đại học về các điều kiện đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn dạy học trước khi tổ chức dạy học.
Người học là người khuyết tật hoặc không đủ sức khỏe học một số nội dung trong chương trình môn học Giáo dục thể chất được xem xét miễn, giảm những nội dung không phù hợp hoặc được học các nội dung thay thế phù hợp.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định cụ thể việc miễn, giảm và quy định các nội dung học tập thay thế đối với người khuyết tật, người không đủ sức khỏe học tập.
Nguồn: Lập Phương - Báo Giáo dục và thời đại (http://giaoducthoidai.vn)
Sưu tầm: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39