Thứ 5, 29/10/2015 14:57 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

GIAO THÔNG TPHCM CHUYỂN TỪ XỬ LÝ HẬU QUẢ SANG CHỦ ĐỘNG ĐÓN ĐẦU

     Ngày 28-10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đồng tổ chức hội thảo về sự hình thành và phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải TPHCM. Hội thảo với nội dung không mới nhưng vẫn thu hút nhiều ý kiến tâm huyết và đặc biệt rất thẳng thắn của các chuyên gia.

Đường hầm Thủ Thiêm nối liền các quận nội đô và quận 2

 

 

     Chống ùn tắc giao thông: không chỉ giải pháp kỹ thuật

     Không thể phủ nhận hơn 40 năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã đạt được nhiều thành tích. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, ngay từ những năm còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế bao cấp, ngành giao thông TPHCM đã tập trung nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 25 (huyện Nhà Bè), tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh)… Những năm sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM, ngành giao thông đã nỗ lực hoàn thành nhiều trục đường lớn như đường trục Bắc - Nam, đường trục Đông - Tây, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xây dựng đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… tạo điều kiện quan trọng cho thành phố “thay da, đổi thịt” phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

     Thế nhưng, tại sao giao thông TPHCM vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu? Ngoài nguyên nhân như lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao, vượt khả năng đáp ứng của hệ thống cầu đường; việc phân luồng giao thông ở một số nơi chưa hợp lý…, theo ông Trần Quang Phượng, nguyên Giám đốc Sở GTVT TPHCM: “Chống ùn tắc giao thông, không chỉ cần các giải pháp kỹ thuật là xây thêm đường, làm thêm cầu, đầu tư thêm xe buýt… mà đòi hỏi phải có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch, quản lý đô thị, giáo dục…”.

     PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, cũng nhận định: “Một trong những giải pháp được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng nhằm làm giảm áp lực giao thông tập trung vào một số khu vực, là tìm kiếm mô hình quy hoạch không gian hợp lý… Một khi tổ chức không gian cư trú hợp lý thì bài toán giao thông vì thế mà giảm áp lực. Việc lựa chọn mô hình sai, tổ chức không gian cư trú không tốt dẫn đến hậu quả phải mất rất nhiều tiền cho xây dựng hệ thống giao thông nhưng hiệu quả mang lại thấp”.

Cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, TPHCM

     Thời gian qua, TPHCM đã “nén” quá nhiều vào khu vực trung tâm thành phố mà thiếu phương án chỉnh trang đô thị một cách hợp lý, đặc biệt hệ thống giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng như hiện nay. Nhiều công trình giao thông tốn hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhưng hiệu quả chưa cao vì rất nhiều trong số ấy chỉ để giải quyết tình trạng ùn ứ trước mắt tại một số khu vực nhất định trong nội đô, mà thiếu đi tính tổng thể, căn cơ. Dự án cải tạo, mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi là một điển hình. Công trình đưa vào sử dụng chỉ sau vài năm lại quá tải… như trước. Việc phát triển thêm các đô thị vệ tinh chậm. Những năm qua, đô thị TPHCM chủ yếu phát triển theo vết dầu loang. Tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện ở đâu, ngành giao thông “đi theo” giải quyết hậu quả đến đấy, nên giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

     Metro và BRT - cơ hội vàng để chỉnh trang đô thị

     Một mô hình phát triển đô thị hợp lý với chương trình quản lý và thực hiện quy hoạch đồng bộ, thống nhất, là cơ sở quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc lập lại trật tự an toàn giao thông và phát triển giao thông một cách bền vững trong các năm tới. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia xung quanh nội dung làm thế nào để chống ùn tắc giao thông ở TPHCM. TPHCM đang đầu tư xây dựng hai tuyến metro: Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương và tuyến buýt nhanh (BRT) dọc theo Đại lộ Đông - Tây, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đây là cơ hội vàng để TPHCM chỉnh trang đô thị kèm chống ùn tắc giao thông trên các hướng giao thông này. Tại sao là cơ hội vàng? Bởi vì với các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn, TPHCM sẽ có cơ hội sử dụng đất một cách hiệu quả hơn bằng cách hình thành nên các khu dân cư cao tầng, tập trung lớn. Phần đất còn dôi dư sau khi sắp xếp lại việc cư ngụ của người dân sẽ dành cho giao thông và các công trình công cộng khác. Người dân, ngoài việc có thêm không gian công cộng còn có cơ hội sử dụng vận tải công cộng một cách tiện lợi. Vận tải công cộng phát triển, thu hút hành khách cũng là một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông một cách hiệu quả.

Đường Phạm Văn Đồng

Ảnh: Cao Thăng

 

     Khắc phục tình trạng đi sau, giải quyết hậu quả là giải pháp quan trọng nhằm phát huy cao hiệu quả đầu tư của các công trình giao thông và giúp giao thông TPHCM phát triển bền vững. Quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2015, đã xác định khá rõ các khu dân cư cũng như khu đô thị mới của TPHCM. Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông ở đây phải được ưu tiên và phải được thực hiện đúng nguyên tắc: giao thông đi trước một bước. Trong việc này, TPHCM cần tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông hoặc ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có giao thông cho các khu đô thị mới.

 

Nguồn: Nguyễn Khoa – Quốc Hùng - Báo Sài gòn giải phóng (http://sggp.org.vn/)

Sưu tầm: Thúy An -  Phòng Quản lý NCKH, T39

 

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 314
Tất cả 7,686,459