Thứ 5, 29/10/2015 14:42 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

CHÚ TRỌNG THU HỒI TÀI SẢN THAM NHŨNG

     Ngày 28-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng chống tham nhũng. Một mặt ghi nhận và đánh giá cao nhiều thành quả quan trọng đã đạt được nhưng các ý kiến tại phiên họp đã phân tích nguyên nhân sâu xa của những tồn tại và đề xuất những giải pháp căn cơ hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá phát biểu tại hội trường

     Dân hỏi bao giờ phản công đẩy lùi tham nhũng?

     Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nhận định, tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh tình trạng tham nhũng ở người có chức có quyền, còn nhiều hình thức tham nhũng khác mà thực tế đã có: dân thường có chút chức trách như trông xe, gác đền, nhân viên văn phòng cũng tham nhũng vặt, làm băng hoại đạo đức xã hội. ĐB Nguyễn Ngọc Phương phát biểu: “Xin các vị ĐBQH lưu ý một dạng thức tinh vi là tham nhũng chính sách, tức là tạo ra những điều khoản quy định có kẽ hở để hưởng lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân. Quốc hội cần tăng cường chức năng giám sát, Chính phủ nghiêm túc thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu đầu tư công và đặc biệt là trong công tác cán bộ”.

     Cho rằng việc xử lý tham nhũng hiện chưa tương xứng với tình hình, công tác điều tra xét xử kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) yêu cầu chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng và cần quy định tỷ lệ thu hồi càng ít thì mức án càng cao; chỉ được xét đặc xá tha tù khi khắc phục trên 80% thiệt hại gây ra bởi hành vi tham nhũng. Có cùng nỗi trăn trở về tình hình tham nhũng chưa giảm, ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nêu vấn đề: “Trả lời như thế nào cho dân khi Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn là một bức xúc, nguy cơ gây mất ổn định xã hội? Dường như 10 năm qua, trong cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta vẫn ở trong giai đoạn cầm cự và phòng ngự. Cử tri sẽ hỏi: phòng ngự mãi thế này bao giờ sẽ phản công, quyết liệt đẩy lùi tham nhũng?”. Hiến kế cho cơ quan lập pháp, ĐB Trần Đình Nhã đề nghị xem xét, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung khung khổ pháp luật, đặc biệt là Luật Phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, trong đó có việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

     Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, những giải pháp đề ra trong các báo cáo là “chưa tương xứng với tình hình tham nhũng”, đặc biệt là “chưa thấy bóng dáng những giải pháp được thiết kế để xử lý tham nhũng có lợi ích nhóm và tham nhũng có tính tổ chức - những hình thức tham nhũng mới, tinh vi và khó đối phó”...

     Giải pháp căn cơ là phòng ngừa từ gốc

     Đưa ra nhận định rằng, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án giết người, với thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, vì “nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi”. Qua phân tích đặc điểm các vụ án loại này, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh, bên cạnh nguyên nhân trực tiếp của từng vụ đã được nêu trong các kết luận tố tụng, có nhiều nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô, trong đó có những “khoảng trống” trong giáo dục nhân cách (dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình); tiêu cực trong thông tin, truyền thông (đưa hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài, góp phần đánh thức phần bản năng xấu trong thanh thiếu niên)… ĐB Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa; đồng thời gửi đến người dân thông điệp nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Chia sẻ quan điểm của bà Lê Thị Nga về việc lấy phòng ngừa làm gốc, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, toàn xã hội cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến thanh thiếu niên, đặc biệt dành nguồn lực thích đáng để tạo công ăn việc làm cho người trẻ tuổi…

     Đề nghị tiếp tục thực hiện điểm 5 mục 3 Nghị quyết 77/2015 của Quốc hội

     Đại diện cho cử tri TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, công tác phòng chống tội phạm có liên quan đến ma túy trên địa bàn TP vừa qua đạt nhiều kết quả, mà một nguyên nhân quan trọng là vướng mắc từ cơ sở trong việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Chính phủ và Quốc hội lắng nghe, tháo gỡ bằng việc cho phép TPHCM và các địa phương khác thí điểm đưa người nghiện lang thang không có nơi cư trú vào các cơ sở y tế để được điều trị cắt cơn, tư vấn tâm lý... “Nghị quyết 77 rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời; đề nghị UBTVQH và QH chia sẻ và tiếp tục đưa điểm 5, mục 3 của Nghị quyết 77/2015 của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 để tiếp tục thực hiện. Đoàn ĐBQH TPHCM đã có văn bản gửi UBTVQH báo cáo rõ việc này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

     Nếu xét thấy ông Huỳnh Văn Nén vô tội thì thả và bồi thường ngay

     Đây là ý kiến được ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 28-10. ĐB Lê Thị Nga nói: “Chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội, chỉ đạo, kiểm tra theo thẩm quyền nên ông Huỳnh Văn Nén đã được tha sau 17 năm bị giam. Với những dấu hiệu oan, sai khá rõ mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra, Viện KSND tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không, theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và yêu cầu của Nghị quyết 96 ngày 26-6-2015 của Quốc hội”.

 

Nguồn: Anh Thư - Báo Sài gòn giải phóng (http://sggp.org.vn/)

Sưu tầm: Thúy An -  Phòng Quản lý NCKH, T39


 

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 993
Tất cả 7,469,817