TRANH LUẬN VỀ CÔNG BẰNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Ngày 26-10, Quốc hội đã có buổi thảo luận cuối cùng về dự án BLTTDS (sửa đổi) trước khi thông qua ở cuối kỳ họp. Hầu hết các vấn đề mới nhất, cũng là sửa đổi lớn nhất vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Chẳng hạn, đa số ĐB đồng tình với nội dung tòa không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện vì lý do chưa có luật quy định nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại e ngại rằng nó xung đột với ngay Điều 4 của dự luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện để bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của mình. “Như vậy, tòa vẫn có thể nói quyền mà anh đòi là không hợp pháp nên không thụ lý” - ông Thuyền nói.
Một vấn đề khác là dự luật đề ra các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Lúc ấy, tòa có quyền áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật hoặc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng quy định như vậy là vội vàng vì Hiến pháp cũng như pháp luật chỉ cho phép tòa xử tuân theo pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật: “Giao cho thẩm phán xử theo lẽ phải, lẽ công bằng thì hóa ra thẩm phán có quyền làm luật? Xử sơ thẩm nói thế này công bằng, phúc thẩm bảo thế khác mới đúng, lấy gì làm cơ sở? Tôi cho rằng những việc như vậy không nhiều, nếu cần thì tòa yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích luật là đủ”.
Tương tự, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói: “Quốc hội làm luật để hạn chế sự tùy tiện thì sao lại giao cho thẩm phán dựa vào lẽ công bằng mơ hồ nào đó để xử. Đứng trước vụ tranh chấp giá trị hàng chục tỉ đồng, thẩm phán sẽ cân nhắc thế nào về lẽ công bằng khi mà lương họ chỉ 7-8 triệu đồng?”.
Ngược lại, nhiều ĐBQH bảo vệ quyết liệt những giá trị mới của dự luật. Trong đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã hai lần đăng đàn lập luận về lẽ công bằng.
“Lẽ công bằng là những giá trị, tư tưởng, quan điểm đạo đức có sẵn trong đời sống xã hội. Nhà nước đúc kết lẽ công bằng ấy thành các quy định pháp luật. Cái gì chưa đúc kết thì tự thân xã hội vận động, ứng xử theo lẽ thường của nó. Với những trường hợp chưa có luật quy định ấy, khi tranh chấp xảy ra, tòa phải dựa vào lý lẽ về công bằng đó để giải quyết, thuyết phục, thỏa mãn các bên tranh chấp” - ông Nghĩa nói.
Nguồn: Nghĩa Nhân - Báo Pháp luật TP. HCM (http://phapluattp.vn)
Sưu tầm: Trọng Toàn - Phòng Quản lý NCKH, T39