Thứ 3, 15/11/2022 15:40 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

“TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” - TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

     Từ thời xa xưa, Nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Theo quan niệm của Nho giáo thì vị trí của người thầy được đề cao chỉ sau vua và trên cả cha mẹ (Quân, Sư, Phụ). Truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày nay vẫn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy, tuy hình thức đã có nhiều thay đổi. Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bởi lẽ người thầy phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là người học noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi lúc, mọi nơi, trong gia đình và cả ngoài xã hội.
     Ca dao tục ngữ có câu: “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Đúng vậy, người thầy giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc giáo dục đào tạo tương lai một con người. Bởi từ xa xưa đến nay, bất kỳ một quốc gia dân tộc nào dù chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán… có khác nhau nhưng ở đâu, thời kỳ nào cũng đều đánh giá rất cao vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội. Vậy “Tôn sư trọng đạo” là gì? Có thể hiểu rằng, “tôn sư” là lòng tôn kính, thương mến của người học trò đối với thầy cô giáo; “trọng đạo” là đề cao, xem trọng đạo lý. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” có từ rất lâu, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống là nề nếp, thói quen tốt đẹp được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Truyền thống là cốt lõi, là bộ phận bền vững nhất của văn hoá tộc người. Truyền thống xấu có tác dụng duy trì chế độ xã hội và nền văn hoá lỗi thời. Truyền thống tốt đẹp (trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, trong quan hệ giữa người với người...) góp phần tích cực xây dựng xã hội mới, con người mới. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống đẹp của người Việt, truyền thống ấy đã góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 
     Dân tộc ta vốn có truyền thống tốt đẹp, người thầy là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm chất, giá trị cao quý trong đạo đức và nhân cách của mỗi con người. “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, người thầy giáo luôn luôn tiêu biểu cho tầng lớp trí thức được xã hội công nhận. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bao đời nay con người đã truyền những bài học nằm lòng đó để duy trì, tồn tại và trở thành tinh hoa của trí tuệ.
     Ngày xưa, dẫu đời sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ông cha ta luôn dành những tình cảm đặc biệt ưu ái, tốt đẹp nhất đối với người thầy, điều đó được thể hiện trong những tác phẩm văn học dân gian Việt Nam phản ánh những khát vọng học tập mãnh liệt của người dân vươn lên trong cuộc sống. Ca dao, tục ngữ nhiều bài đã ca ngợi tình thầy trò sâu nặng, ơn nghĩa thủy chung: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Mười năm rèn luyện sách đèn, Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy…”. Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, học trò ở xa cũng thu xếp thời gian đến thăm thầy: “Mồng một tết cha, Mồng hai tết mẹ, Mồng ba tết thầy”. Từ bao đời nay, đạo thầy trò luôn luôn được giữ gìn lưu truyền từ đời này qua đời khác.

     Những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, về nhân cách ngời sáng được chúng ta biết nhiều như thầy giáo Chu Văn An là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, thầy có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã từng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Người đã ra đi tìm đường cứu nước mang lại tự do, độc lập cho dân tộc. Người luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Trong buổi khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.
     Ngày 21/10/1964, trong buổi nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội...? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Lúc sinh thời đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã từng khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”. Sở dĩ người thầy giáo được coi trọng như vậy, bởi lẽ người thầy phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là người học noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi lúc, mọi nơi, trong gia đình và cả ngoài xã hội.
     Ngày nay, để truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mãi mãi tươi sáng và vững bền trong lòng dân tộc thì người thầy giáo phải không ngừng nổ lực phấn đấu học tập nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình. Người thầy phải có thế giới quan khoa học đúng đắn, phải được đào tạo một cách có hệ thống, có trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn mà mình giảng dạy, đồng thời phải có trình độ, kiến thức nhất định về các môn khoa học cơ bản, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội,…           
     Người thầy phải có năng lực chọn lọc các tri thức cơ bản, hiện đại thực tiễn, phù hợp với phương pháp giáo dục của từng bậc học, để có chuyển tải nội dung môn học tới người học một cách hấp dẫn, lôi cuốn người học lĩnh hội kiến thức thì người thầy giáo phải có năng lực, không ngừng cầu tiến tự học hỏi để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tìm tòi tiếp cận các tri thức khoa học, kĩ thuật công nghệ và giáo dục của các quốc qia có nền giáo dục hiện đại, theo kịp các bước tiến khoa học, đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn đặt ra cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bên cạnh các yếu tố như trên, người thầy giáo còn phải là con người khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần, năng động, hoạt bát và khiêm tốn; có cuộc sống trong sạch, lành mạnh, phong phú, có văn hoá, biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng dư luận và có lòng tự trọng cao, có lối sống giản dị, hiện đại được hình thành trên cơ sở một hệ thống chuẩn mực hành vi và thế giới quan đúng đắn.
     Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh những đóng góp to lớn cả tâm huyết lẫn trí tuệ của mình cho nền giáo dục nước nhà thì có một số bộ phận thầy, cô đã bán rẻ danh dự của mình và biến những “phẩm chất giá trị” đã được xã hội tôn vinh đó thành một thứ hàng hóa tầm thường như: chạy trường, mua điểm, mua đầu vào, học giả bằng thật… đã làm mất đi những giá trị quý báu của ngành giáo dục nói chung và của người thầy nói riêng.
     Nhưng người thầy hôm nay là nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại. Trong một xã hội học tập và mọi người học tập suốt đời thì vị trí và vai trò của người thầy lại càng quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nghề thầy giáo lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”…
Tóm lại, “Tôn sư trọng đạo” truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được bao thế hệ từ đời này qua đời khác luôn duy trì, kế thừa vun đắp, phát huy bằng những thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như trong những việc làm cụ thể thường ngày. Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là dịp quan trọng để tôn vinh những cống hiến thầm lặng của những người thầy, người cô cho nền giáo dục nước nhà. Trong niềm vui hân hoan, hạnh phúc rạng rỡ ấy những thầy cô giáo càng mến yêu nghề nghiệp của mình hơn và càng khát khao cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nền giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, niềm khao khát cống hiến ấy ngày càng được nhân lên bởi họ nhận được sự quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội. Sự tri ân “Tôn sư trọng đạo” với sự nghiệp trồng người đang bồi đắp làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:“Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”./.
Văn Đường - Quỳnh Nga, P. Chính trị

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 235
Tất cả 7,687,265