Thứ 4, 5/10/2022 16:21 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG (6/9/1902 - 6/9/2022) – NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG

     Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902 tại xã Thông Lạng (ngày nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, lúc nhỏ đồng chí đã tận mắt chứng kiến cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước, căm thù quân giặc và ý chí làm cách mạng.

Đồng chí Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2022). (Ảnh tư liệu)

     Sau khi học xong Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng chí Lê Hồng Phong đã xin làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy, thành phố Vinh. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột tàn tệ, đồng chí Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Sau sự kiện này, đồng chí bị đuổi việc. Cuối năm 1923, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã. Tháng 12/1924, tại một cơ sở bí mật của Tâm Tâm xã ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong lần đầu tiên được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người giác ngộ cách mạng. Điều này đã mở ra bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên xứ Nghệ.
     Tháng 02/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu,... được lựa chọn vào Nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập và trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - lớp thế hệ cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo. Đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình đã được nghe những bài giảng về lịch sử phong trào cách mạng quốc tế và cách mạng giải phóng dân tộc, về những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin... những bài học đó đã dẫn dắt và nâng tầm nhận thức của đồng chí Lê Hồng Phong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, trở thành người cộng sản và bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng. Chính vì thế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Không phụ lòng của người thầy dẫn dắt, đồng chí Lê Hồng Phong đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo. Với những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngôi nhà tưởng niệm của đồng chí Lê Hồng Phong ở làng Đông, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

     Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, bọn mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí. Không tìm ra chứng cứ pháp lý để buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong, ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tháng 01/1940, mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt đồng chí Lê Hồng Phong lần thứ hai và áp giải vào giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn, buộc tội đồng chí phải chịu trách nhiệm tinh thần cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo.
     Trong những ngày bị biệt giam trong hầm đá hoặc trong Banh II (nơi giam giữ tù cộng sản), kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Trước sự độc ác, dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942.
Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã để lại tấm gương sáng về ý chí cách mạng kiên trung, luôn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.

Khu mộ đồng chí Lê Hồng Phong nằm tại khu A Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh tư liệu)

Văn Đường - P. Chính trị

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 230
Tất cả 7,687,257