Thứ 2, 26/10/2015 22:32 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ: “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ CÔNG AN CẤP HUYỆN TỈNH BÌNH DƯƠNG” DO ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN CÔNG LÀM CHỦ NHIỆM, NĂM 2015

     Thực hiện Quyết định số: 2021/QĐ-T39-QLNCKH ngày 23/09/2015 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II về việc Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở.

      Sáng ngày 13/10/2015, tại Hội trường Cơ quan (Cơ sở 1), Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp cơ sở Trường Cao đẳng CSNDII đã tiến hành họp để đánh giá, nghiệm thu Nhiệm vụ Khoa học: “Nâng cao hiệu qủa họat động kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương”, mã số: SC.2014.T39.023 do đ/c Đại úy, ThS. Lê Văn Công làm chủ nhiệm.

Đ/c Đại úy. ThS Đinh Ngọc Hạnh - Cán bộ Phòng Quản lý NCKH, T39 tuyên bố lý do trước Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Trần Bình - Phòng Quản lý NCKH, T39.

     Tham gia Hội đồng nghiệm thu có đ/c Thiếu tướng, NGND, PGS. TS. Vũ Đức Khiển – Hiệu trưởng T39, giữ cương vị Chủ tịch hội đồng; Đại tá, ThS. Trần Kim Diện – P. Hiệu trưởng T39, Uỷ viên phản biện 1; đ/c Thượng tá, Nguyễn Văn Quang – Phó Trưởng phòng, Công an tỉnh Bình Dương, Uỷ viên phản biện 2 và cùng với một số nhà khoa học trực thuộc Hội đồng Khoa học - Đào tạo của Trường. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của đ/c Thượng tá Huỳnh Đức Ba - Phó Trưởng phòng, Viện Chiến lược và khoa học Công an làm đại biểu khách mời.

Đ/c Thượng tá Huỳnh Đức Ba - Phó Trưởng phòng, Viện Chiến lược khoa học và Công an. Ảnh: Trần Bình - Phòng Quản lý NCKH, T39

     Công tác kỹ thuật hình sự giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là công tác điều tra vụ án của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, sự ra đời của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an cấp huyện nói chung, công tác điều tra khám phá các vụ án hình sự nói riêng. Tuy nhiên, để công tác kỹ thuật hình sự của Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an cấp huyện thì việc làm rõ thực trạng công tác kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập để từ đó có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Vì lẽ đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn và tiến hành nghiên cứu nhiệm vụ khoa học: “Nâng cao hiệu quả hoạt động kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương”.

Đ/c Đại úy, ThS. Lê Văn Công - Chủ nhiệm đề tài. Ảnh: Trần Bình - Phòng Quản lý NCKH, T39

     Theo Chủ nhiệm đề tài, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám nghiệm hiện trường của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Trên cơ sở mục tiêu này, Ban chủ nhiệm đề tài đã xác định các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài là: phân tích làm rõ nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện; làm rõ cơ sở pháp lý của hoạt động kỹ thuật hình sự nói chung, hoạt động khám nghiệm hiện trường nói riêng của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện; chú trọng tập trung khảo sát, phân tích để đánh giá thực trạng hoạt động khám nghiệm hiện trường, chỉ ra những ưu điểm, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại thiếu sót và đề ra giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khám nghiệm hiện trường của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

     Nhìn chung, mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài đặt ra đã được Ban chủ nhiệm giải quyết và làm sáng tỏ một cách logic, khoa học và chặt chẽ… Do đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ Khoa học đều nhất trí đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm. Sau khi tổng hợp các ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên trong Hội đồng, đồng chí Thiếu tướng, NGND, PGS. TS. Vũ Đức Khiển, Chủ tịch Hội đồng đã thay mặt Hội đồng nghiệm thu kết luận: Nhiệm vụ khoa học đã góp phần làm sáng tỏ được lý luận về hoạt động khám nghiệm hiện trường nói chung, và hoạt động khám nghiệm hiện trường ở Công an cấp huyện nói riêng. Đặc biệt, có thể được sử dụng để làm nguồn tài liệu thiết thực cho việc vận dụng vào công tác thực tế ở các địa phương và giúp ích cho việc học tập, giảng dạy tại các trường Cảnh sát nhân dân.

Các thành viên Hội đồng cho ý kiến nhận xét. Ảnh: Trần Bình - Phòng Quản lý NCKH, T39

     Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở này cũng có thể được xem là một trong những nguồn tài liệu hữu ích giúp cho lãnh đạo và cán bộ Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương nói chung, lãnh đạo Công an cấp huyện các tỉnh Bình Dương nói riêng tham thảo nghiên cứu, bổ sung những chủ trương và quan điểm chỉ đạo của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám nghiệm hiện trường của Công an cấp huyện.

     Như vậy, từ những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài. Sau khi tiến hành bỏ phiếu, Nhiệm vụ khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện tỉnh Bình Dương”, do đồng chí Đại úy, ThS. Lê Văn Công làm chủ nhiệm, mã số: SC.2014.T39.023 đã được các thành viên Hội đồng đồng ý nghiệm thu với kết quả xếp loại: “XUẤT SẮC”.

 

     Trần Thị Bình - Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 1232
Tất cả 7,469,041