BỘ GIÁO DỤC: GIÁO SƯ PHẢI DO HỘI ĐỒNG CHỨC DANH NHÀ NƯỚC BỔ NHIỆM
Trả lời Đại học Tôn Đức Thắng, Bộ Giáo dục nhấn mạnh quy định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư phải tuân thủ điều 71 Luật Giáo dục và khoản 2, điều 54 Luật Giáo dục đại học.
Trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sau khi nhận được công văn của Đại học Tôn Đức Thắng báo cáo về việc xây dựng Quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn trong nhà trường, ban hành kèm theo Quyết định 88 liên quan đến chức danh giáo sư, phó giáo sư, ngày 14/10 Bộ đã có phản hồi gửi trường.
Bộ Giáo dục cho rằng quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được quy định tại điều 71 Luật Giáo dục và khoản 2, điều 54 Luật Giáo dục đại học. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục, có trách nhiệm xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học (trong đó có Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng) căn cứ nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định. "Bộ Giáo dục thông báo để trường Đại học Tôn Đức Thắng biết và thực hiện", công văn của Bộ Giáo dục nêu rõ.
Trước đó ngày 12/10, Đại học Tôn Đức Thắng công bố hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Theo lãnh đạo nhà trường, hướng dẫn được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn (trợ lý giáo sư, phó giáo sư, giáo sư) của trường.
"Đây là hướng dẫn chung, những tiêu chuẩn tối thiểu ứng viên phải đạt được trước khi làm hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm", đại diện Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh. Trường cũng giải thích, việc bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn nhằm nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn; ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và nhà trường; xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Đầu tháng 9, khi Đại học Tôn Đức Thắng quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu, nhiều ý kiến được đưa ra theo cả hai hướng ủng hộ và phản đối.
Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập được thành lập vào năm 1997, đã và đang hợp tác với 76 đại học trên thế giới; thu nhận khoảng 300 sinh viên từ các nước đến học bằng nhiều loại hình. Trường đã thành lập hơn 23 labo nghiên cứu khoa học và một số labo do các giáo sư hàng đầu thế giới lãnh đạo.
Nguồn: Lan Hạ - Tin nhanh Việt Nam (http://vnexpress.net)
Sưu tầm: Trần Bình – Phòng Quản lý NCKH, T39