Thứ 6, 16/10/2015 17:12 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

PHÁT HIỆN CỔ VẬT BẰNG ĐÁ QUÝ NẶNG GẦN 20 KG

   Trong lúc đào đất trồng cau trên phế tích chùa Kim Liên ở Hải Phòng, một người dân đã tìm thấy con long quy bằng đá màu xanh nhạt. 

 

Long quy được người dân phát hiện trong khi đào đất trồng cau. Ảnh: Người dân cung cấp.

   Ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã An Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, ông Nguyễn Văn Trượng ở thôn Trại Sơn khi đào hố trồng cau tại mảnh đất tái định cư đã tìm thấy cổ vật hình long quy. Khi xã cử cán bộ xuống nhà lập biên bản, tạm giữ, chờ giám định niên đại… thì cổ vật đã được mang đi. Hiện sự việc đã được báo cáo lên cơ quan chức năng.

    Trước đó ngày 8/10, khi đào đất đến độ sâu 40 cm để trồng cau trên mảnh đất tái định cư vừa được cấp, ông Trượng va phải vật thể lạ. Nghi là cổ vật, ông này đào lên và nhờ một thanh niên bê về đánh rửa. Sau khi lớp đất được rửa trôi, lộ ra một con rùa đầu rồng, thân rùa, ngồi trên đống tiền, vàng. Trên lưng rùa cõng một con rùa con, tất cả được làm bằng loại đá rất đẹp, nặng chừng 20 kg. 

    Nghe tin, nhiều người dân đã kéo đến nhà ông Trượng chiêm ngưỡng, chụp ảnh con long quy. Nhưng đến chiều 8/10, vợ chồng con gái ông Trượng ở Hà Nội đã mang ôtô về đưa con rồng đá đi.

Long quy đứng trên đống tiền, vàng, miệng ngậm ngọc long châu. 

    Theo chính quyền địa phương, khu đất nơi tìm thấy cổ vật chính là phế tích chùa Kim Liên. Ngôi chùa có từ xa xưa, đến thời kháng chiến chống Pháp bị phá hủy. Khu đất chùa sau đó được giao cho bên quân đội quản lý và mấy năm nay TP Hải Phòng tiếp quản, san ấp tạo mặt bằng làm khu tái định cư của xã An Sơn.

   Sau khi xem những bức ảnh một người dân chụp được, một chuyên gia kinh doanh đá quý ở Hải Phòng cho rằng long quy được chế tác từ đá ngọc vàng, một loại đá quý hiếm. Ở Việt Nam duy nhất khu vực đồi núi Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, mới có loại này, nhưng nằm sâu dưới lòng đất. Để tìm và đưa được một phiến đá hay cục đá ngọc vàng không hề đơn giản. 

Di tích chùa Kim Liên cổ tọa lạc dưới chân dãy núi Trại Sơn giờ chỉ còn một tấm bia đá và một tháp đá chưa bị phá hủy. Ảnh: Giang Chinh.

   Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (hơn 80 tuổi) sau khi xem hình khối đá long quy cũng cho rằng nếu được đào lên từ khu phế tích chùa Kim Liên thì không chỉ là cổ vật mà là báu vật quốc gia. Nhà chức trách cần điều tra, thu hồi báu vật này.

   Ông Lợi giải thích, long quy là một trong những linh vật linh thiêng, được tạc với mình rùa đầu rồng, ngồi trên đống tiền vàng, tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn, dũng cảm. Trong suốt thời kỳ phong kiến, tất cả đồ vật có hình con rồng, lại là bằng đá quý, ngọc, màu vàng, chỉ nhà vua hoặc hoàng thân quốc thích mới được lưu giữ, sử dụng.

   Đề cập đến chùa Kim Liên, ông Lợi cho hay, ngôi chùa này có từ thời Mạc, nằm dưới chân núi Trại Sơn, được xây dựng bề thế với 3 dãy nhà. Hiện di tích này vẫn còn một tấm bia đá lớn và một tháp đá. 

 

Nguồn: Giang Chinh – Tin nhanh Việt Nam (http://vnexpress.net)

Sưu tầm: Trần Bình – Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 424
Tất cả 7,686,580