GIẢI PHÁP CỐT LÕI ĐỂ CHỐNG BỨC CUNG, NHỤC HÌNH
Phải tách hoạt động tạm giam với điều tra để chống bức cung, nhục hình. Đó là đề nghị của nhiều đại biểu tại phiên họp chiều ngày (14-10) của UBTVQH khi cho ý kiến về dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Các ý kiến cho rằng đề xuất của Bộ Công an về việc chuyển bốn trại giam cấp bộ hiện do Văn phòng Cơ quan điều tra (Bộ Công an) quản lý cho Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý là không phù hợp. Bởi lẽ các đơn vị này vẫn thực hiện nhiệm vụ điều tra dễ dẫn tới tình trạng đóng hai vai “vừa điều tra, vừa giữ người”.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao
Về nội dung này, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho hay: “Hiện nhà giam cấp huyện, tỉnh đã thống nhất giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an). Giờ chỉ còn bốn trại giam cấp bộ nên giao cho Tổng cục VIII quản lý vì đây cũng là cơ quan của bộ. Thống nhất việc tạm giam, giữ do một đầu mối quản lý, điều này sẽ khắc phục, hạn chế tình trạng bức cung nhục hình”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, cho rằng: “Dự luật thể hiện rất rõ quyền cơ bản của công dân vì người bị tạm giam, giữ chưa có tội, chỉ bị hạn chế về đi lại còn các quyền khác vẫn phải được đảm bảo. Trước đây việc thăm gặp có quy định cải tạo tốt được gặp, không tốt thì không được gặp hoặc phải có ý kiến của cơ quan điều tra. Giờ theo luật thì việc thăm gặp không phụ thuộc vào ai nữa mà thực hiện theo quy định”.
Ông Quyền cho hay trong lịch sử, việc tạm giam, tạm giữ vốn do cơ quan điều tra giữ (từ cấp huyện đến cấp bộ.) Tuy nhiên, sau đợt giám sát của Quốc hội về bức cung nhục hình, oan sai thì Bộ Công an có chủ trương tách tạm giam ra, giao cho Tổng cục VIII quản lý để tránh tình trạng bức cung, nhục hình.
“Giờ cấp huyện có đội thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp quản cái này, tỉnh cũng vậy. Riêng bộ còn bốn trại tạm giam do Văn phòng Cơ quan điều tra - Bộ Công an phụ trách. Giờ đề xuất giao cho hai tổng cục An ninh và Cảnh sát, tôi cho rằng không nên vì họ vẫn phụ trách điều tra, không đảm bảo tính khách quan. Nên đưa về Tổng cục VIII thì vẫn do Bộ quản lý thống nhất, một đầu mối” - ông Quyền nói.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam như hiện nay nhưng có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra; cần giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Tổng cục VIII để bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với cơ quan điều tra ở tất cả các cấp.
Ý kiến khác đề nghị cần tổ chức lại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.
Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. Do đó, UBTVQH cho rằng giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh là phù hợp.
“Riêng bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan CSĐT thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp. Cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho Tổng cục VIII quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với cơ quan điều tra nhằm phòng, chống bức cung, dùng nhục hình” - ông Hiện nói.
Nguồn: Trọng Phú - Báo Pháp luật TP.HCM (http://phapluattp.vn)
Sưu tầm: Trọng Toàn - Phòng Quản lý NCKH, T39