Thứ 5, 1/10/2015 18:41 (GMT+7)
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |

ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN BÌNH ĐẲNG ĐẾN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

     Sáng ngày (30/9), tại Hà Nội khai mạc Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 15 của Hiệp hội nghiên cứu giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á (SEAAIR). 

 

      Đây là lần đầu tiên hội thảo thường niên của SEAAIR được tổ chức tại Việt Nam. Tham dự có gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, là lãnh đạo, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ hơn 20 trường đại học của Hoa Kỳ, Phần Lan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines…

      Hội thảo bao gồm các phiên toàn thể và các phiên thảo luận song song, đề cập đến các khía cạnh khác nhau để quốc tế hóa và phát triển bền vững giáo dục đại học. 

     Hội thảo hướng tới các mục tiêu: Trao đổi các kết quả nghiên cứu từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và tính bao hàm trong giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á; Tăng cường kết nối, đưa các trường đại học Việt Nam hội nhập khu vực thông qua SEAAIR; Góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với khách nước ngoài thông qua các hoạt động bên lề của Hội thảo.

     Đại diện cho Bộ GD&ĐT tham dự, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường PGS.TS Lê Trọng Hùng, chia sẻ: Hướng tới thành lập cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập cuối năm 2015, đòi hỏi giáo dục đại học phải hội nhập mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Hoạt động của các trường đại học sẽ vượt qua các biên giới quốc gia, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn khu vực, chứ không giới hạn trong phạm vi quốc gia.

     PGS.TS Lê Trọng Hùng chỉ ra hiện thực, các quốc gia, các cơ sở giáo dục cũng cần đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đến giáo dục đại học của mọi đối tượng xã hội. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và không ít thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học, đòi hỏi sự nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.

     Đồng quan điểm trên, Chủ tịch SEAAIR, PGS.TS Teay Shawyun, nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người được đề cập đến trong khuôn khổ hành động thiên niên kỷ Biwako 2003 và Tuyên bố Salamanca 1994. ÔNg cho rằng: Việc này cần được coi là một phần trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học ASEAN trong quá trình hội nhập quốc tế.

    Đại diện cho đơn vị đăng cai, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cũng đưa ra quan điểm: Hội nhập quốc tế và trách nhiệm xã hội là 2 mục tiêu luôn song hành của các trường ĐH Việt Nam. Hiện nay, có gần 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai thực hiện ở Việt Nam, hàng trăm nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, một số trường đại học quốc tế với các đối tác hàng đầu như Anh, Đức, Nhật Bản đã và đang được hình thành.

     PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh: Những con số ấn tượng này sẽ tiếp tục tăng lên cùng với quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cũng luôn chú ý đến khả năng tiếp cận của mọi đối tượng thông qua các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, hỗ trợ tài chính, giới thiệu việc làm.

    Với gần 60 tham luận, các đại biểu đã chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực tiễn trong điều hành giáo dục đại học ở mỗi quốc gia. Nhiều ý tưởng đổi mới, cơ hội hợp tác được hình thành, hướng tới mục tiêu chung đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng đến giáo dục đại học của toàn khu vực Đông Nam Á. Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 2/10/2015 tại Hạ Long (Quảng Ninh).

 

Nguồn: DH - Báo Giáo dục và Thời đại (http://giaoducthoidai.vn/)

Sưu tầm: Ngọc Hạnh - Phòng Quản lý NCKH, T39

  Liên kết Website

  Thống kê

Trực tuyến 813
Tất cả 7,686,979