TRƯỜNG CAO ĐẲNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN II TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN CHUYÊN NGÀNH
Chất lượng dạy và học là mối quan tâm hàng đầu của nền giáo dục trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, với mong muốn làm sao để người dạy truyền đạt được kiến thức một cách dễ dàng, người học nắm bắt và vận dụng được kiến thức đó trong thời gian ngắn nhất vào thực tế công tác, nghiên cứu một cách có hiệu quả, do vậy càng lúc càng đặt ra những yêu cầu gay gắt trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất trong việc giảng dạy các học phần chuyên ngành tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II (CSND II).
Hoạt động giảng dạy các học phần chuyên ngành luôn có vị trí quan trọng trong quá trình đào tạo học viên tại các trường CAND nói chung và Trường Cao đẳng CSND II nói riêng, vì đây là nền tảng nghiệp vụ mà học viên cần nắm bắt tốt nhằm phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự của đất nước.
Trong thời gian qua, giảng viên Trường Cao đẳng CSND II đã luôn tích cực nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng dạy chất lượng đối với các học phần chuyên ngành nhằm giúp học viên tiếp cận nhanh chóng, tiếp thu và hiểu rõ bản chất của các mặt công tác nghiệp vụ CAND. Qua đó, hầu hết học viên tốt nghiệp ra trường đều có thể đảm nhận các công việc chuyên môn theo yêu cầu của thực tiễn công tác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giảng dạy các học phần chuyên ngành cho học viên tại trường. Nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực trạng của hoạt động giảng dạy chuyên ngành tại trường trong thời gian qua, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp và kiến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này, ngày 21/12/2018 tại Hội trường Cơ quan - Trường Cao đẳng CSND II đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy các học phần chuyên ngành tại Trường Cao đẳng CSND II”.
Hội thảo đã bàn luận về những vấn đề xoay quanh việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường, bởi phương pháp dạy học là cách thức, các bước và nghệ thuật truyền đạt tri thức của người dạy đối với người học giúp người học lĩnh hội kiến thức trong từng học phần chuyên ngành, trong đó hoạt động giảng dạy của người dạy và hoạt động học của người học là hai mặt của một thể thống nhất, tác động tương hỗ nhằm đạt mục đích là người học tiếp nhận tốt nhất tri thức mà người dạy truyền đạt, người dạy vừa là chủ thể truyền đạt kiến thức vừa là người điều khiển quá trình dạy – học, người học vừa là người bị điều khiển vừa là chủ thể của quá trình nhận thức. Xét trên một khía cạnh nào đó mọi phương pháp là làm sao cho người dạy, người học thấy được ngôi trường mình đang học chính là ngôi nhà thứ hai của mình, thấy được sự ấm áp trong quan hệ thầy trò, không có sự áp đặt, là nơi để người học phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy của mình. Người học tìm được sứ hứng khởi để tìm tòi cái mới, tìm được sự đồng thuận và khuyến khích nơi người dạy và tập thể nhà trường.
Trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường cần có những phương pháp riêng để đạt được hiệu quả trong công tác giảng dạy các học phần chuyên ngành, khắc phục những hạn chế trong phương pháp tiếp cận của giảng viên đối với học viên, loại bỏ những tình huống ứng xử cứng nhắc dẫn đến sự buồn chán trong việc dạy và học. Những ý kiến đóng góp trong các bài tham luận, hay những phần trao đổi trực tiếp trong buổi hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý báu giúp giảng viên trong Nhà trường áp dụng các phương pháp giảng dạy có chất lượng vào từng học phần chuyên ngành đáp ứng nhiệm vụ đào tạo cán bộ CSND có trình độ cao đẳng, trung cấp cho Công an các đơn vị địa phương phía Nam, như phương pháp dạy học theo tình huống, phương pháp dạy học tích cực, phương pháp dạy học kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn công tác, phương pháp dạy học thực hành đối với từng môn học, hay phương pháp nghiên cứu tự học của học viên trong Nhà trường, qua đó tạo cho học viên cảm thấy thích chuyên ngành mà bản thân đang theo học, tạo cho học viên thực hiện được năng lực tư duy, sáng tạo.
Đ/c Đại tá Đỗ Đình Hoán – Trưởng Khoa CSGT phát biểu ý kiến trao đổi trong buổi Hội thảo
Ảnh: Trung Phong – Phòng QL NCKH
Đ/c Phan Tiến Anh – Trưởng Khoa CSPCTPMT phát biểu ý kiến trao đổi trong buổi Hội thảo
Ảnh: Trung Phong – Phòng QL NCKH
Hội thảo cũng tạo điều kiện để cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong và ngoài trường thu thập thêm nguồn tư liệu để thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có liên quan và giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về hoạt động giảng dạy các học phần chuyên ngành trong thời gian tới./.
Trung úy Hồ Thị Thúy An
Phòng Quản lý NCKH